Dịch vụ này còn được gọi là tiêu dùng quần áo cộng tác, có thể kéo dài tuổi thọ của một mặt hàng quần áo, vì mọi người không vứt bỏ nó sau một vài lần mặc.
Chị Shelby đã phát hiện ra có một số bộ quần áo chị chỉ mặc 1 - 2 lần ròi vứt xó. Ngành thời trang nhanh đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm không chỉ của mình chị, mà rất nhiều người tiêu dùng khác trong suốt thời gian dài.
Ước tính, người Mỹ mua trung bình 67 mặt hàng quần áo mỗi năm, nhưng thực tế họ chưa chắc cần nhiều đến vậy.
Nhiều bạn trẻ đánh giá dịch vụ cho thuê quần áo là tương lai của ngành thời trang. (Ảnh minh họa: Getty Images) |
Quyết định thay đổi, chị Shelby đã thử tìm đến các dịch vụ cho thuê quần áo. Với dịch vụ từ Nuuly, chị được chọn 6 bộ quần áo với mức giá 88 USD hàng tháng.
Còn với Rent The Runway, dịch vụ này cung cấp đa dạng phong cách cũng như nhiều thương hiệu thời trang cao cấp hơn. Mức giá dịch vụ cũng tùy thuộc như cầu khách hàng, nhưng thấp nhất là 89 USD/tháng cho 4 sản phẩm.
"Tôi cảm thấy rất phấn khích khi gói quần áo chuyển đến, không khác gì cảm giác háo hức khi mua đồ qua mạng cả", chị Shelby Church, người sáng tạo nội dung YouTube, bày tỏ.
Không chỉ mình chị Shelby có thiện cảm với dịch vụ thuê quần áo này, mà khảo sát 362 bạn trẻ, sinh từ năm 1997 đến năm 2002 của Đại học bang Washington đều bày tỏ mối quan tâm tiềm năng đến xu hướng cho thuê ngày càng gia tăng.
"Ý tưởng này đang ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt là ở những người tiêu dùng thế hệ Z. Họ rất quan tâm đến chủ nghĩa tiêu dùng bền vững, quan tâm đến môi trường và sẵn sàng thực hiện những thay đổi để giúp ích cho hành tinh", Giáo sư Ting Chi, Trường Đại học bang Washington, Mỹ, cho biết.
Dịch vụ cho thuê quần áo còn được nhiều bạn trẻ đánh giá là tương lai của ngành thời trang.
"Tôi hoàn toàn có thể nhìn thấy viễn cảnh tương lai mình chỉ sở hữu vài bộ quần áo cơ bản như 1 chiếc quần jeans, 1 cái áo da, hay áo phông đen trắng. Còn những trang phục chỉ hợp mốt trong ngắn hạn như màu neon, quần áo da thú, tôi sẽ đi thuê. Đây là bước đi giúp chúng ta tránh xa thời trang nhanh", chị Shelby Church cho hay.
Sản xuất quần áo và giày dép hiện chiếm hơn 8% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, bằng tổng tác động khí hậu của toàn bộ liên minh châu Âu. Nếu không có hành động ngăn chặn, con số này của ngành sản xuất dệt may dự kiến sẽ chiếm đến 60%. Với những nỗ lực cá nhân, thông qua mạng lưới của nền kinh tế chia sẻ, các bạn trẻ hy vọng có thể gia tăng nhận thức và giúp đỡ môi trường.
(Theo VTV)
Bí mật chưa biết về cửa hàng quần áo khiến bạn điên cuồng mua sắm
Với những "mánh khóe này, các cửa hàng quần áo luôn thu hút khách hàng và thu về lợi nhuận khổng lồ.