Dịch Covid-19 khiến tỷ lệ hấp thụ BĐS giảm mạnh trong quý I/2020

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong quý I/2020, nguồn cung sản phẩm ra thị trường đã sụt giảm rất mạnh. Đồng thời, tỷ lệ hấp thụ dự án rất thấp, chỉ 14,3%, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái (tỷ lệ hấp thụ quý I/2019 là 19,6%).

{keywords}
 Khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa, nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp mùa Covid-19. Ảnh: V.D

Theo giải thích của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, sở dĩ tỷ lệ hấp thụ BĐS trong quý I/2020 giảm mạnh như vậy, phần lớn là do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến các chủ đầu tư và sàn giao dịch buộc phải tạm hoãn các hoạt động mở bán dự án vì tâm lý tránh tụ tập đông người; khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa, có hiện tượng nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp.

Cụ thể, tại thị trường Hà Nội, có 8.963 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, giao dịch 1.307 sản phẩm. Trong đó, có 1.167 sản phẩm mới chào bán, giao dịch 181/1.167 sản phẩm, còn lại là cung và giao dịch từ hàng tồn năm 2019.

Về lượng sản phẩm đủ điều kiện bán hàng, quý I/2020, tại Hà Nội có 15 dự án được phê duyệt có sản phẩm đủ điều kiện với 9.414 sản phẩm. Trong đó, có 8.878 căn hộ chung cư và 536 thấp tầng, tăng 1,65 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Tại TP.HCM, có 8.421 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, giao dịch 1.409 sản phẩm. Trong đó, có 4.664 sản phẩm mới chào bán, giao dịch 815/4.664 sản phẩm, còn lại là cung và giao dịch từ hàng tồn năm 2019.

Về lượng sản phẩm đủ điều kiện bán hàng, quý I/2020 tại TP.HCM có 10 dự án được phê duyệt với 2.816 sản phẩm đủ điều kiện, trong đó có 2.736 căn hộ chung cư và 80 thấp tầng, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2019.

Cũng theo dự báo của Hội, trong quý II/2020, thị trường vẫn phải chịu tác động bởi dịch Covid-19. Thị trường căn hộ tại các đô thị như Hà Nội và TP.HCM vẫn tiếp tục có giao dịch nhưng số lượng không nhiều, phần lớn chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu ở của người dân vẫn ở mức cao.

Nguồn cung mới từ các dự án bất động sản đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn cũng không có nhiều. Ở mỗi địa phương có thể có tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức một con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước.

{keywords}
Tác động của dịch bệnh đến BĐS được dự báo là còn kéo dài trong quý II/ 2020

Có nên mua BĐS trong thời điểm này?

Cũng chính vì nguồn cung căn hộ đang giảm đã khiến thị trường nhà đất và đất nền “lên ngôi” trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay.

Thế nhưng, do số lượng giao dịch hiện nay đang rất thấp, rất nhiều chủ đầu tư, chủ dự án chấp nhận “cắt lỗ” để kích cầu, thu hồi vốn, tạo điều kiện cho người dân mua được nhà đất và đất nền với giá bán rẻ hơn từ 10 - 15%. Cá biệt, tại Đà Nẵng, nhiều khu vực đã giảm tới 30% so với cuối năm 2019.

Có cùng nhận định trên, báo cáo Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, trong quý II/2020, thị trường nhà ở sẽ giảm giá tạo điều kiện cho nhà đầu tư “bắt đáy” thị trường.

{keywords}
Các chuyên gia BĐS cho rằng, khủng hoảng của dịch bệnh nếu nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi nên tìm kiếm đầu tư BĐS, thay vì đầu tư vào chứng khoán, ngoại tệ hay vàng. 

Trong khi đó, theo các chuyên gia BĐS, nhà đầu tư cần phải chú ý tới nguồn lực tài chính để lựa chọn phân khúc phù hợp. Tránh các đòn bẩy tài chính có lãi suất quá cao.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, giám đốc của một sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội nhận định, khi dịch bệnh đi qua, thị trường BĐS sẽ hồi phục rất nhanh, chỉ cần 6 tháng hoặc 1 năm để thị trường ổn định.

“So với nhiều kênh đầu tư, thì BĐS có tốc độ hồi phục nhanh nhất, ổn định nhất và có thể cho lợi nhuận cao nhất. Chình vì vậy, tôi cho rằng, trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, nếu nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi nên tìm kiếm đầu tư BĐS, thay vì đầu tư vào chứng khoán, ngoại tệ hay vàng”, ông Tuấn nói.

(Theo Dân trí)