Theo History và BBC, ngày 14/7/1518 một phụ nữ tên là Frau Troffea ở Strasbourg thuộc nước Pháp ngày nay rời nhà và bắt đầu nhảy múa. Cô khiêu vũ suốt nhiều giờ cho tới khi gục xuống và co giật vì kiệt sức. Sau khi nghỉ ngơi, Frau tiếp tục nhảy múa một cách điên cuồng như thể bị thôi miên. Frau khiêu vũ không ngừng như vậy trong nhiều ngày và tới tháng 8, có khoảng 400 người dân địa phương cũng nhảy múa điên cuồng bên cạnh cô.
Không ai biết điều gì đã khiến người dân thành phố Strasbourg nhảy múa trái với ý muốn của họ hoặc tại sao điệu nhảy lại kéo dài như vậy, song cuối cùng có tới 100 người đã chết.
Các nhà sử học gọi sự kiện kỳ lạ và chết chóc này là bệnh dịch nhảy múa năm 1518 và sau hàng trăm năm con người vẫn đang tìm hiểu những bí ẩn xoay quanh nó.
Điều gì xảy ra trong dịch bệnh nhảy múa
Mặc dù những ghi chép về dịch bệnh nhảy múa - còn gọi là cơn cuồng khiêu vũ, thường không rõ ràng song những báo cáo còn sót lại đã hé mở một số thông tin về dịch bệnh bất thường này.
Sau khi dịch bệnh nhảy múa bắt đầu khiến Frau Troffea liên tục vặn, xoay và lắc người không ngừng suốt cả ngày, cơ thể cô cuối cùng cũng bị kiệt sức nghiêm trọng và Frau chìm vào giấc ngủ sâu. Tuy nhiên, chu kỳ này cứ lặp đi lặp lại hàng ngày cho dù chân Frau có chảy máu và bầm tím tới đâu. Frau nhảy múa suốt gần một tuần và không lâu sau đó đã có 30 người hành động y hệt cô.
Không thể đưa ra bất kỳ lời giải thích hợp lý nào, đám đông chứng kiến Frau nhảy múa cho rằng đó là hành động của ma quỷ. Họ cho rằng Frau đã phạm tội và do đó không thể chống lại sức mạnh của ma quỷ đang muốn kiểm soát cơ thể cô.
Sau nhiều ngày nhảy múa không nghỉ và không có lời giải thích nào cho sự thôi thúc không thể kiểm soát, Frau được đưa tới một khu vực linh thiêng ở núi Vosges như để chuộc lại tội lỗi mà cô đã gây ra. Nhưng điều đó không khiến mọi việc kết thúc, dịch bệnh nhảy múa mau chóng lan khắp thành phố.
Khoảng 30 người đã nhanh chóng thế chỗ của Frau Troffea và nhảy múa không ngừng nghỉ ở cả những nơi công cộng lẫn nhà riêng. Họ cũng không thể dừng lại như Frau.
Các báo cáo cho biết, vào thời kỳ đỉnh điểm của dịch bệnh có tới 400 người nhảy múa trên đường phố. Cơn cuồng khiêu vũ kéo dài suốt 2 tháng, khiến nhiều người ngã quỵ và thậm chí chết vì đau tim, kiệt sức và đột quỵ.
Một nguồn tin cho hay, vào thời kỳ cao điểm của cơn cuồng khiêu vũ, mỗi ngày có 15 người chết. Cuối cùng, có tới 100 người thiệt mạng vì dịch bệnh kỳ lạ này. Nhiều người đã tỏ ý nghi ngờ về câu chuyện và đặt câu hỏi làm sao mọi người có thể nhảy múa không nghỉ trong nhiều tuần liền.
Bí ẩn và sự thật
Bệnh dịch nhảy múa ở Strasbourg nghe có vẻ giống như một huyền thoại nhưng nhiều nhà sử học hiện đại cho biết, có nhiều tài liệu ghi chép về hiện tượng này để chứng tỏ rằng nó thực sự có xảy ra.
Những gì xảy ra ở Strasbourg không phải là sự kiện duy nhất. Những cơn điên loạn tương tự cũng xảy ra ở Thụy Sĩ, Đức và Hà Lan dù quy mô nhỏ hơn hoặc làm ít người chết hơn so với dịch bệnh ở Strasbourg vào năm 1518.
Có nhiều giải thích được đưa ra nhằm làm sáng tỏ sự thật về bệnh dịch nhảy múa. Tuy nhiên, giả thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất là lý giải của nhà sử học y tế người Mỹ John Waller.
Ông cho rằng dịch bệnh nhảy múa là một dạng rối loạn tâm thần hàng loạt. Những đợt bùng phát như vậy diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tột độ và hình thành dựa trên nỗi sợ của dân địa phương.
Theo đó, sự kiện xảy ra ở Strasbourg bùng nổ là do một loạt nạn đói kết hợp với sự hiện diện của các căn bệnh như đậu mùa và giang mai đã khiến người dân thành phố này bị căng thẳng quá mức. Ông còn khẳng định thời đó người dân tin rằng những người không tôn sùng Thánh Vitus - một vị thánh Công giáo hồi thế kỷ 16 bảo trợ cho các vũ công, sẽ bị nguyền rủa bằng dịch bệnh nhảy múa.
Một số giả thuyết khác cho rằng những người nhảy múa là thành viên một giáo phái dị giáo, họ nhảy múa để thu hút sự chú ý của thánh thần. Trong khi đó, các nhà điều tra trong thế kỷ 20 cho rằng những người mắc bệnh có thể đã ăn bánh mỳ làm từ bột lúa mạch đen bị nhiễm nấm cựa gà - vốn gây ra co giật và ảo giác.
Theo ghi chép của thành phố, những vũ công mê sảng cuối cùng đã được tới nơi thờ Thánh St.Vitus. Ở đó, đôi chân đẫm máu của họ được đặt vào một đôi giày đỏ rồi được rước đi vòng quanh với một bức tượng nhỏ bằng gỗ của vị thánh.
Dịch bệnh cuối cùng cũng kết thúc một cách bí ẩn sau vài tuần như khi nó bắt đầu.