Đánh giá về mức độ tiếp cận với các dịch vụ thanh toán hiện đại của các khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng như việc người dân được hưởng lợi ích gì khi tiếp cận thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi hội thẻ, đại diện Hiệp hội Ngân hàng, kiêm Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, trong những năm qua, đặc biệt là 2 năm gần đây khi chúng ta phải đối diện với đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt nói chung có sự tăng trưởng khá mạnh mẽ.
Đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì mức chênh lệch khá nhiều. Ví dụ như vùng đồng bằng hay những khu vực phát triển về kinh tế thì tốc độ tăng cao, còn vùng sâu, vùng xa, vùng núi mức độ thấp hơn. Do đó, chúng ta cũng cần chia ra phù hợp với giai đoạn phát triển.
Hiện nay người dân nông thôn sở hữu 1 tài khoản trở lên chiếm tỉ trọng rất cao so với trước đây. Còn vấn đề thanh toán thì có thể họ vẫn chưa chuộc thanh toán không dùng tiền mặt do những lo ngại, trở ngại về mặt tiếp cận với những kỹ thuật mới trong thanh toán. Đó chỉ là vấn đề về thời gian. Việc mở tài khoản thanh toán hay sử dụng ví thanh toán hay mobile money gần đây rất thuận lợi, dễ dàng. Và lợi ích mang đến cho người dân thì những vùng nông thôn đều cảm nhận được, đó là tiện ích về thời gian, về tiết kiệm chi phí và đi lại vùng nông thôn vốn rất bất tiện so với khu vực thành thị. Đặc biệt, giao dịch mọi lúc mọi nơi và những điều kiện, yếu tố như mật độ sử dụng viễn thông, wifi hay mức sống cũng mang đến sự thuận tiện. Đó cũng là một tiềm năng với dân số khu vực nông thôn chiếm 68%, tương đương với khoảng 61 triệu người, trong đó 24 triệu người dùng internet và 37% tương tác với các mạng xã hội.
Ông Tâm cho rằng, về phía các ngân hàng cũng như các thành phần tham gia hoạt động cung ứng các dịch vụ thanh toán khác cần có sự vươn mình hơn nữa. Song song với đó, cần sự phát triển của truyền thông, cáp quang, wifi thuận tiện, phục vụ cuộc sống vùng sâu, vùng xa trong thời gian tới để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Từ góc độ của đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán bán lẻ, thông qua theo dõi sự chuyển dịch các giao dịch qua hệ thống của NAPAS, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc NAPAS đồng tình với nhận định đã có sự thay đổi về hành vi của người tiêu dùng, người dân trong giai đoạn chúng ta phải đối mặt với dịch COVID-19 vừa qua.
Theo thống kê của NAPAS, 2-3 năm gần đây, có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ của giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Và đặc biệt, có sự chuyển dịch về việc rút tiền mặt để tiêu. Ngày trước, mặc dù khi đã có thẻ rồi nhưng nhiều người vẫn ra cây ATM để rút tiền. Tuy nhiên những năm gần đây, thay vì rút tiền mặt, người dân thực hiện luôn giao dịch thanh toán bằng thẻ hoặc thanh toán thông qua việc chuyển khoản liên ngân hàng qua hệ thống của NAPAS. Theo số liệu của năm 2021, tỉ lệ rút tiền mặt qua hệ thống của NAPAS chiếm 12%. Đến năm 2022, ước tính tỉ lệ này chỉ còn 6%. Con số 12% chỉ bằng 1/10 so với những năm trước. Tôi nhớ cách đây 5-6 năm thì tỉ lệ rút tiền mặt để tiêu phải lên đến 60-70%. Tuy nhiên sau đại dịch, tỉ lệ này giảm xuống rất đáng mừng.
Thứ hai số lượng giao dịch thanh toán qua hệ thống của NAPAS cũng tăng trường với con số rất ấn tượng, đặc biệt là giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng. Hiện nay, tính trung bình một ngày có 12-15 triệu giao dịch chuyển khoản chạy qua hệ thống của NAPAS với số tiền giao dịch lên tới 150-170 nghìn tỷ đồng. Đây không chỉ là những giao dịch thanh toán giữa cá nhân với nhau, mà còn là những giao dịch cho thanh toán mua bán các hàng hóa, dịch vụ giữa cá nhân với các cửa hàng, với các đơn vị bán hàng nhỏ lẻ. Từ sự chuyển dịch của thói quen người dùng đó, tôi thấy đi đầu vẫn là ở những thành phố lớn. Tuy nhiên vẫn có sự giao thương và lưu thông hàng hóa dịch vụ cũng như luồng tiền giữa các đơn vị thành phố cũng như các đơn vị nông thôn và ở vùng sâu, vùng xa. Việc phát triển các giao dịch điện tử sẽ lan dần từ thành phố đến những đơn vị nông thôn. Dần dần theo sự phát triển đó, cũng sẽ lan đến vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Văn Thường, Hồng Hạnh, Hoài Linh