Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, buổi làm việc hôm nay nhằm cùng nhau lắng nghe, chia sẻ xoay quanh 3 vấn đề lớn: Thứ nhất, việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Thứ hai, vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, với ngành trọng tâm là lĩnh vực văn hóa. Thứ ba, những vấn đề nổi cộm, dư luận quan tâm, nhất là những vấn đề về văn hóa.
Nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển
Nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực, là nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận những kết quả đã đạt được của Bộ VH-TT-DL. Những thành tựu về kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của ngành VH-TT-DL cả nước nói chung và của Bộ nói riêng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ với những khó khăn, thách thức của ngành VH-TT-DL trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có tác động không nhỏ đến hầu hết các lĩnh vực.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: KS |
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị ngành VH-TT-DL quan tâm thực hiện 7 nội dung, trong đó tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các chương trình hành động của ngành VH-TT-DL nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng đã ban hành.
Đồng thời, ngành cần thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thông qua công tác quản lý nhà nước của Bộ; tập trung nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế gắn với việc gìn giữ và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam; làm tốt công tác xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện…
"Cần đẩy mạnh việc triển khai chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa, nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong tình hình mới", Trưởng Ban Tuyên giáo nhấn mạnh.
Ngoài ra, Trưởng Ban Tuyên giáo cũng yêu cầu Bộ từng bước nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa…
Văn hóa không phải là cờ đèn kèn trống
Báo cáo công tác của ngành, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho hay, trong bối cảnh cả nước thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Bộ VH-TT-DL đã nỗ lực tổ chức triển khai nhiều công việc gắn sát với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên lĩnh vực xây dựng và phát huy giá trị sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Trong đó có xuất hiện hiện tượng "văn hóa tầm thường", dễ dãi, mang tính thị trường đã thu hút một bộ phận người dân quan tâm. Vì vậy mà có đánh giá bước đầu về hiện tượng lệch chuẩn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, có những hạn chế yếu kém, tồn tại nhiều năm, thuộc về khách quan, cũng có nguyên nhân chủ quan và cần làm rõ nội dung quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm trong công tác phối hợp.
Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: KS |
"Nhân đây tôi lấy ví dụ, một cặp vợ chồng đánh nhau, biểu hiện bạo lực gia đình nhưng trên diễn đàn lại phê bình Bộ Văn hóa là đã không làm tốt chức năng quản lý làm đạo đức, văn hóa xuống cấp. Như vậy thì chưa thật khách quan và công tâm. Hoặc một quán karaoke của một phường mở loa ồn ào nhưng cũng cho rằng Bộ Văn hóa đã không thực hiện chức trách của mình", Bộ trưởng dẫn chứng.
Theo ông, trong quản lý nhà nước đã phân cấp rất rõ cấp nào quản lý việc gì như thế nào nhưng nhân dân vẫn gửi thư kiến nghị về diễn đàn và diễn đàn lại trở thành điểm nóng. "Phải chăng như vậy chỉ thấy cây mà không thấy rừng, nhìn sự vật, hiện tượng đơn lẻ mà không thấy được tổng thể trong quá trình vận hành quản lý", Bộ trưởng VH-TT-DL đặt vấn đề.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Hùng cho hay, Bộ đang tập trung để đổi mới tư duy. Nếu không đổi mới tư duy từ chỗ làm văn hóa thuần túy như hiện nay sang quản lý văn hóa thì sẽ không thực hiện được trách nhiệm Đảng giao cho.
"Giải quyết bài toán này cần có một nhận thức "văn hóa không phải là cờ đèn kèn trống, bưng bê kê đặt; văn hóa không chỉ là chương trình nghệ thuật". Với nhận thức như vậy làm rõ vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước; vai trò của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, của các hiệp hội nghề nghiệp, các ngành các cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Hùng tiếp tục nêu thực tế, một hiện tượng đi ngoài đường, hai bên va chạm giao thông lại quay ngược trở lại mắng Bộ Văn hóa: "Văn hóa giao thông gì mà kém thế" nhưng Bộ Văn hóa không có toàn quyền để làm việc này.
Theo Bộ trưởng, hình thành môi trường văn hóa là quan trọng. Tuy nhiên lĩnh vực văn hóa rất rộng, quản lý văn hóa trong khả năng của Bộ có những lĩnh vực giao thoa với các bộ ngành khác. Vì vậy cố gắng làm rõ để tư duy đúng về quản lý văn hóa.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ VH-TT-DL ký kết chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan (Ảnh:KS) |
Ngoài ra tư lệnh ngành văn hóa cũng nêu quyết tâm xóa bỏ tư duy bao cấp, trông chờ ỉ lại mà phải phát huy và tranh thủ các nguồn lực xã hội. "Những gì nhà nước không cần thiết làm thì để DN làm và làm đến nơi, chọn một số lĩnh vực theo hướng hợp tác công tư cho lĩnh vực thể thao, văn hóa để tạo thiết chế văn hóa cơ bản ở một số trung tâm lớn", ông nói.
Bộ trưởng VH-TT-DL cho hay, thông điệp chỉ đạo của Bộ là "hành động và khát vọng". Trong đó, tập trung phát triển văn hóa con người là động lực; đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao là nền tảng; phát triển du lịch bền vững là khâu đột phá; phát huy giá trị bền vững của các di sản là nhiệm vụ trọng tâm; phát triển công nghiệp văn hóa là điểm nhấn...
Thu Hằng
Tổng Bí thư: Nói trống rỗng không thấm vào tim gan thì không phải là học Bác
Tổng Bí thư lưu ý, đừng nói một đằng làm một nẻo; nói trống rỗng, không thấm vào tim, gan, vào ruột mình để biến thành hành động thì không phải là học Bác.