- Đoàn giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” hôm nay đã báo cáo kết quả trước UB Thường vụ QH.
Trong kỳ giám sát (2011-2014), đã có 219.506 vụ khởi tố, điều tra với 338.379 bị can nhưng số vụ làm oan người vô tội trong ba năm có 71 trường hợp, chiếm 0,02%.
“Tuy số trường hợp oan, sai không nhiều nhưng hậu quả gây ra là hệ trọng, có vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, như vụ 7 thanh niên ở Sóc Trăng bị bắt giam oan, vụ 5 công an ở Tuy Hòa, Phú Yên dùng nhục hình dẫn đến chết người”, báo cáo nêu.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm thì đã xảy ra từ những năm trước, như vụ Lê Bá Mai (Bình Phước), vụ Hồ Duy Hải (Long An), vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận)… Còn phần lớn các địa phương trong nhiều năm chưa phát hiện thấy trường hợp nào làm oan người vô tội, kể cả những nơi mặc dù có lượng án rất lớn.
Loại án thường dẫn đến oan chủ yếu là án giết người, cướp tài sản hoặc hiếp dâm, giết người không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của một số cơ quan tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong UB Thường vụ QH có nhiều ý kiến khác nhau khi đánh giá kết quả này. Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhận định: “Thế nào là nhiều, 71 vụ này hay hàng trăm vụ mới là nhiều, hay mới chỉ phát hiện được chừng đó, mới chỉ là trong thời gian đó… Cần đánh giá cẩn thận, vì một vụ oan sai thôi đã chấn động dư luận rồi”.
Theo ông Sơn, còn phải chỉ rõ trong số đó bao nhiêu vụ do các cơ quan của ngành tư pháp tự phát hiện, bao nhiêu do người bị kết tội kêu oan nhiều năm, bao nhiêu do báo chí phanh phui, và đặc biệt là đã xử lý trách nhiệm những cá nhân, tổ chức liên quan đến đâu.
“Cần biết tình hình oan sai đó tác động thế nào đến xã hội, vì rõ ràng nó dẫn đến người dân không còn tin vào pháp luật, cho rằng pháp luật không nghiêm, xử thế nào cũng được”, Phó Chủ tịch QH nói.
Theo Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, đánh giá đúng còn góp phần lấy lại niềm tin của xã hội vào các cơ quan tư pháp.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý thì muốn làm rõ nguyên nhân: “Từ khi có Hiến pháp, nhiều quy định chưa được cụ thể hóa, chưa được các cán bộ trong hệ thống tư pháp nhận thức đầy đủ như nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng…”.
Ông Lý cũng nhấn mạnh: “Nội bộ các cơ quan tư pháp đã cố gắng như thế nào để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm dẫn đến oan sai, có bao che không, có vì thành tích của đơn vị mà khi biết cán bộ vi phạm vẫn cố gói gọn, không xử lý nghiêm để bảo vệ thành tích?”
Theo ông Lý, nếu có không có hiện tượng bao che, dung túng thì “tại sao những vụ này từ đầu đều không có vấn đề gì, đến khi báo chí nêu thì các cơ quan tìm mọi cách bảo vệ mình, nhưng đến khi các cấp trên trên chỉ đạo làm nghiêm thì lại rõ ra là lỗi của cơ quan tư pháp”.
Phải đền bù thỏa đáng
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng nhấn mạnh vấn đề con người: Không cần kiến nghị xây dựng lực lượng vì đâu có thiếu, phương tiện nghiệp vụ cũng không phải vấn đề lớn. Quan trọng là ở trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy.
“Địa phương có bao nhiêu vụ oan sai thế, mấy đồng chí lãnh đạo còn tại vị không, phải bị cách chức chứ. Tại sao lại có chuyện 5-7 đồng chí công an tham gia bức cung nhục hình, tôi không ngờ có chuyện như thế xảy ra trong ngành công an, nơi có chế độ lãnh đạo, chỉ huy nghiêm ngặt”, ông Phước nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ các ý kiến: “Không nói là ít hay nhiều, mà phải khẳng định không để xảy ra oan sai nữa. Oan sai xảy ra ở đâu thì ở đó phải chịu trách nhiệm, đã oan sai thì phải đền bù thỏa đáng”.
“Biết đây là việc khó nhưng không thể chờ các đồng chí tiến bộ từ từ được, QH phải yêu cầu tiến bộ nhanh”, ông Hùng nói.
Báo cáo giám sát này sẽ được trình ra QH tại kỳ họp tháng 5 tới.
Chiều nay, UB Thường vụ đã thảo luận và chọn ra hai phương án cho chương trình giám sát năm 2016: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học công nghệ và việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Hai nội dung sẽ do UB Khoa học Công nghệ Môi trường và UB Kinh tế đảm nhận. Hai phương án này sẽ được trình ra QH tại kỳ họp tới để chọn một. |
Chung Hoàng