dao tao can bo ung dung CNTT.jpg
Vẫn còn rất nhiều địa phương không tự lo được kinh phí đầu tư cho hoạt động đào tạo cán bộ phát triển ứng dụng CNTT, chỉ biết ngồi chờ ngân sách Trung ương rót xuống. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

>> Ứng dụng CNTT trong CQNN vẫn "mắc" chuyện vốn và nhân lực /  / Cán bộ CNTT-VT Hà Nội được hỗ trợ 1,5 -2 triệu đồng/người/tháng 

Nhân lực mỏng và yếu

Thời gian dài qua, các địa phương đều kêu khó trong quá trình thiết lập và vận hành hiệu quả đội ngũ nhân lực có khả năng thực hiện các nhiệm vụ phát triển ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước (CQNN) tại địa phương. Điển hình như tại Hải Phòng, Giám đốc Sở TT&TT Hoàng Duy Đỉnh cho biết, cả lãnh đạo và cán bộ chuyên trách về CNTT đều đang gặp khó khăn trong việc phát triển ứng dụng CNTT. Với đối tượng lãnh đạo CNTT (CIO) thì đa số các đơn vị tại Hải Phòng đã phân công thủ trưởng hoặc cấp phó đảm nhận vai trò này, nhưng do phải thực hiện công tác kiêm nhiệm, đồng thời hiểu biết về lĩnh vực CNTT-TT còn nhiều hạn chế nên việc chỉ đạo thực hiện ứng dụng CNTT tại đơn vị chưa đạt hiệu quả cao. Còn với cán bộ chuyên trách CNTT thì công tác tham mưu triển khai ứng dụng CNTT vẫn còn bị động, thiếu hiệu quả do mỗi cơ quan chỉ có trung bình 1 cán bộ chuyên trách CNTT trong khi nhu cầu thực tế cần có 2 - 3 cán bộ, thậm chí một số cơ quan khi được phân biên chế chuyên trách CNTT-TT lại sử dụng không đúng chức năng, giao thực hiện nhiệm vụ khác dẫn đến việc cơ quan đó không có cán bộ chuyên trách CNTT-TT. Đã thế, việc thành lập bộ phận chuyên trách CNTT tại các CQNN còn hạn chế, những cơ quan chưa thành lập được bộ phận này thường phải thuê dịch vụ ngoài, gây tốn kém chi phí đầu tư từ ngân sách.

Một ví dụ khác là tại Bắc Giang, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Diệu, Giám đốc Sở TT&TT, toàn tỉnh có 54 cán bộ chuyên trách về CNTT trong các CQNN, số lượng cán bộ này chưa thể đảm bảo yêu cầu triển khai, vận hành, quản trị các hệ thống thông tin, đa số cán bộ đều chưa được trang bị, cập nhật cơ bản đầy đủ các kiến thức

Theo Báo cáo Ứng dụng CNTT trong các CQNN năm 2012 do Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT công bố tháng 7/2013, tính đến hết năm 2012, các địa phương trên cả nước có tổng số 4.418 cán bộ chuyên trách về CNTT nhưng trong đó, xét về trình độ chuyên môn chỉ 5,96% số cán bộ chuyên trách CNTT có trình độ trên đại học, 63,42% có trình độ Đại học và vẫn còn tới 30,62% cán bộ có trình độ dưới Đại học và trình độ khác.

Với hiện trạng trên, để có thể đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng CNTT trong CQNN, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, chính phủ điện tử, bên cạnh việc phải ban hành thêm nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút "nhân tài", các địa phương buộc phải lo chuyện đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhân lực hiện hữu.

Có nội dung nhưng chưa lo được kinh phí đào tạo

Các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, tư tưởng, nhận thức của các lãnh đạo cũng khác nhau nên sự quan tâm tới hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ ứng dụng CNTT cũng khác nhau. Nhằm tránh tình trạng mặt bằng trình độ cán bộ ứng dụng CNTT giữa các địa phương quá "vênh" nhau, tháng 01/2013, Bộ TT&TT đã ban hành khuyến nghị Nội dung cơ bản bồi dưỡng lãnh đạo CNTT, giám đốc đơn vị chuyên trách về CNTT, và cán bộ chuyên trách CNTT của CQNN.

Trong đó, với đối tượng lãnh đạo phụ trách CNTT, có thể đào tạo tập trung trong 02 ngày về các chuyên đề: vai trò, chức năng, nhiệm vụ, kỹ năng của người lãnh đạo phụ trách CNTT; cơ quan điện tử, chính quyền điện tử; lợi ích triển khai ứng dụng CNTT; tổ chức, quản lý Nhà nước về ứng dụng CNTT; quản lý đầu tư ứng dụng CNTT; lập kế hoạch ứng dụng CNTT; an toàn và bảo mật thông tin,...

Với lãnh đạo đơn vị chuyên trách về CNTT, có thể đào tạo tập trung trong 04 ngày về các nội dung tương tự đối với lãnh đạo phụ trách CNTT và bổ sung thêm một số chuyên đề về mô hình thành phần chính quyền điện tử cấp địa phương; chữ ký số và hệ thống chứng thực chữ ký số quốc gia; đánh giá năng lực triển khai dự án CNTT; đánh giá mức độ sẵn sàng chính quyền điện tử cấp địa phương; một số kỹ năng mềm của Giám đốc CNTT...

Với cán bộ chuyên trách về CNTT, mỗi khóa đào tạo cũng diễn ra theo hình thức tập trung nhưng kéo dài trong 05 ngày, tập trung vào các chủ đề: phương pháp quản lý kiến trúc; phương pháp quản lý đầu tư; phương pháp quản lý dự án; phương pháp phân tích, thiết kế hệ thống thông tin; phương pháp quản lý chất lượng; phương pháp giám sát, đánh giá,...

Với những nội dung đào tạo cơ bản nêu trên, Bộ TT&TT khuyến nghị các đơn vị chuyên trách về CNTT trong CQNN chủ động áp dụng và triển khai theo điều kiện thực tế của mình. Tuy nhiên, "lực cản" lớn nhất đối với các địa phương bây giờ là không "xoay" đủ kinh phí để triển khai đào tạo.

Theo ông Hoàng Duy Đỉnh: "tổng kinh phí thành phố Hải Phòng dành cho hoạt động ứng dụng CNTT-TT hàng năm còn hạn chế, dẫn đến tỷ lệ ngân sách dành cho đào tạo CNTT-TT còn eo hẹp. Đề nghị Bộ TT&TT thường xuyên tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ quản lý Nnhà nước về CNTT cho cán bộ của các Sở TT&TT, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí, chương trình đào tạo cho các địa phương".

Ông Nguyễn Văn Diệu cũng băn khoăn chia sẻ: "Trong năm qua, Bắc Giang không tham gia các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ CNTT-TT do Bộ TT&TT tổ chức do vướng mắc về kinh phí. Phí đào tạo chuyên gia về CNTT rất cao trong khi chế độ chi hiện thời rất thấp, địa phương không đáp ứng được. Theo tôi, Bộ TT&TT nên có hướng dẫn về phí đào tạo chuyên gia về CNTT”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quốc, Giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử, Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT nhận xét: “Chuyên gia cần phải được đầu tư, không phải muốn là có. CQNN muốn có chuyên gia cần quan tâm tới 3 yếu tố: cán bộ cần được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành và có trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao; tổ chức có nguồn công việc đủ để thử thách trong một thời gian thích hợp; tự thân cán bộ phải vượt qua kỳ thi kỹ năng thực hành theo một chuẩn phù hợp với tính chất của nhiệm vụ, công việc mà người đó đang và sẽ đảm nhận. Nếu không sẽ chỉ có chuyên gia tự phong”.

Tại nhiều diễn đàn, hội thảo thời gian qua, Bộ TT&TT đã nhiều lần truyền tải thông điệp rằng sẽ Bộ tiến hành các giải pháp như tăng cường hỗ trợ chất lượng cho các trường đại học, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh và khu vực thành lập ra các trường, các khoa chuyên CNTT&TT, cùng các địa phương tổ chức bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác TT&TT ở cấp tỉnh và từ đó các tỉnh sẽ lo đào tạo cho cấp huyện và xã.

Tuy nhiên, để xây dựng đội ngũ nhân lực thực hiện có hiệu quả công tác ứng dụng CNTT tại địa phương, công tác đào tạo phải có được sự quan tâm, chú ý thấu đáo từ các cấp lãnh đạo địa phương, lãnh đạo cơ quan chuyên trách về CNTT cho đến chính những cán bộ trực tiếp triển khai công tác, những chuyên gia trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo về ứng dụng CNTT. Đặc biệt, ngân sách và nguồn lực cho đào tạo phải được coi là đầu tư chứ không phải đơn thuần là chi phí.

(Cục Ứng dụng CNTT - Bộ TT & TT)