Ninh Thuận từng được chọn sau khi đáp ứng các tiêu chí khắt khe
Ngày 25/11/2009, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 41/2009/NQ-QH12 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/11/2016.
Giờ đây, việc nghiên cứu khởi động lại dự án điện hạt nhân đang được xem xét. Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cũng vừa cập nhật định hướng phát triển điện hạt nhân.
Lúc này, địa điểm để đặt nhà máy điện hạt nhân cũng được nhắc đến. Trước đây, Ninh Thuận từng được chọn là nơi đặt 2 nhà máy điện hạt nhân.
Các địa điểm quy hoạch xây dựng các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài, lựa chọn kỹ lưỡng, đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của quốc tế. Báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2016-2021 được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lập năm 2022 đã đề cập rõ quá trình lựa chọn khắt khe này.
Theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), quy trình lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân gồm 3 công đoạn sau:
Công đoạn 1 - Tìm kiếm, thăm dò địa điểm
Công đoạn 2 - Đánh giá địa điểm
Công đoạn 3: Nghiên cứu bổ sung trước và sau khi vận hành.
Công đoạn 1, quá trình tìm kiếm và thăm dò địa điểm lại gồm 3 pha: Pha 1 - Phân tích vùng và lựa chọn các địa điểm tiềm năng (đã triển khai trong giai đoạn 1996-2000); Pha 2 - Sàng lọc các địa điểm tiềm tàng và lựa chọn các địa điểm thí sinh; Pha 3 - So sánh, xếp thứ tự ưu tiên các địa điểm ứng tuyển (đã triển khai trong giai đoạn 2001-2007).
Nhiều tiêu chí khắt khe của IAEA như phạm vi cung cấp điện; hệ thống điện phục vụ thi công; nguồn nước làm mát; nguồn nước ngọt bổ sung; mặt bằng xây dựng; đứt gãy; động đất; núi lửa; bão lốc; vòi rồng; sóng thần; lũ lụt; hướng gió chủ đạo; hệ thống giao thông; khoảng cách tới sân bay; khoảng cách tới khu quân sự, kho tàng hóa chất; di dân đền bù; loại đất xây dựng và sự ủng hộ của địa phương…
Để thực hiện công tác đánh giá địa điểm, 2 đối tác là liên danh tư vấn E4 - KIEP - EPT, tư vấn JAPC đã triển khai các hoạt động trong nhiều năm. Kết quả thực hiện: Pha 1 nhận diện ra được 20 địa điểm tiềm năng, thuộc 11 tỉnh.
Sau khi so sánh, đánh giá và xếp hạng đã lựa chọn 10 địa điểm thuộc 7 tỉnh. Sau cùng, chọn 8 địa điểm thuộc 6 tỉnh (theo Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2030).
Trong đó thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải của tỉnh Ninh Thuận đã được các đơn vị liên quan và đối tác nước ngoài nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng trong thời gian dài và đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của IAEA.
Việc lựa chọn địa điểm cũng rất tốn kém. Từ năm 2010 đến năm 2015, kinh phí chi để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khả thi và đánh giá địa điểm cho mỗi vị trí đều hơn 30 triệu USD, được Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ Nhật Bản cấp cho Việt Nam dưới dạng viện trợ không hoàn lại.
Trong giai đoạn 2011-2015, công việc liên quan đến địa điểm bắt đầu bước sang công đoạn 2 - Công đoạn đánh giá địa điểm; được Tập đoàn Điện lực Việt Nam ký hợp đồng với các đối tác là liên danh tư vấn E4 - KIEP - EPT (Liên bang Nga) và Công ty điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC) để triển khai thực hiện lập hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) và Dự án đầu tư (FS) cho các Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Kinh phí thực hiện hợp đồng cũng thuộc khoản viện trợ không hoàn lại.
Theo Báo cáo số 80/BC-UBND ngày 1/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, tổng diện tích quy hoạch xây dựng các Nhà máy điện hạt nhân là 1.642,22 ha (trên 90% là diện tích đất nông nghiệp), dân số trong khu vực xây dựng là 3.717 người/1.063 hộ.
Các địa điểm này ra sao sau khi tạm dừng chủ trương làm điện hạt nhân?
Theo báo cáo giám sát, thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14, Chính phủ đã điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 (Nghị quyết 113/NQ-CP ngày 30/8/2018) đối với khu vực Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sang quy hoạch đất phát triển năng lượng tái tạo; khu vực Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất. Đến nay, quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo các quyết định của Bộ Công Thương vẫn còn hiệu lực.
"Cần xác định việc hủy các Quyết định liên quan đến phê duyệt các địa điểm xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 sẽ được các đối tác và dư luận trong nước hiểu là chấm dứt hoàn toàn chương trình phát triển điện hạt nhân tại Ninh Thuận, trong khi các địa điểm này được đánh giá là tiềm năng và an toàn, đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, khó có khả năng lựa chọn các địa điểm thay thế", báo cáo giám sát lưu ý.
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khi đó đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ Quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi cấp có thẩm quyền có quyết định chính thức về vấn đề này.
Tại báo cáo giám sát này, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: "Điện hạt nhân là nguồn điện ít phát thải khí nhà kính sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Việc phát triển điện hạt nhân là giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, an ninh cho hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát và đặc biệt là bảo đảm nguồn phát nền cho nguồn điện tái tạo được phát triển bùng nổ trong thời gian vừa qua". Do đó, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước, bảo đảm an ninh cho hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát, đặc biệt là bảo đảm nguồn phát nền cho nguồn điện tái tạo đang bùng nổ trong thời gian gần đây, theo lộ trình giảm phát thải tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, điện hạt nhân là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình phát triển ngành năng lượng nước ta giai đoạn tiếp theo. |