Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 10/1, đưa ra những quy định riêng về công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử. Trong đó, xác định nhiều khu vực điểm nhấn đô thị mà khi nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng phải thông qua Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố.
Khu vực duy nhất được xây dựng tối đa 45 tầng, chiều cao tối đa 162m là ô đất tại 29 Liễu Giai (quận Ba Đình).
Ngoài ra, có hàng loạt khu vực điểm nhấn đô thị được xây tối đa 39 tầng, chiều cao tối đa 140m. Có thể kể đến như khu vực bán đảo phía đông Hồ Tây (quận Ba Đình), nút giao khu đô thị Tây Hồ Tây và vành đai 2.
Tại nhiều nút giao thông, Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng tại các ô đất giáp với chỉ giới đường đỏ tại các nút giao thông, với hình thức kiến trúc mới, phù hợp với cảnh quan khu vực, được Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố thông qua cũng được xây tối đa 39 tầng, chiều cao tối đa 140m.
Đó là nút giao đường Vành đai 2 - Hoàng Hoa Thám - Hoàng Quốc Việt đảm bảo phù hợp với phương án bảo tồn công trình di tích tôn giáo tín ngưỡng Đình An Thái, gần khu vực nút giao; nút giao đường Nguyễn Chí Thanh, Láng; nút giao đường Láng Hạ, Láng đảm bảo phù hợp với phương án bảo tồn đình ứng Thiên, chùa Cảm Ứng; nút giao đường Tây Sơn, Láng đảm bảo phù hợp với phương án bảo tồn chùa Phúc Khánh, nút giao đường Kim Ngưu, Minh Khai...
Hay tại nút giao đường Cầu Giấy - La Thành - Bưởi - Láng cũng được xác định là khu vực điểm nhấn đô thị được xây tối đa 39 tầng, nhưng không xây dựng công trình cao tầng tại phía Đông Bắc nút giao (khu vực công viên Thủ Lệ).
Khu vực điểm nhấn đô thị bán đảo Quảng An, Hà Nội yêu cầu thực hiện theo quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An tỷ lệ 1/500. Đối với công trình của Đảng, Nhà nước thì các chỉ tiêu yêu cầu về kiến trúc, cảnh quan được xác định trên cơ sở đặc thù của công trình, chỉ đạo của các cấp và thực hiện theo dự án riêng.