- Những trọng án liên tiếp xảy ra thời gian qua thật đau lòng và buộc chúng ta phải suy nghĩ. Chuyên mục "Góc nhìn thẳng" báo VietNamNet đã mời Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân) để trao đổi về vấn đề này.
Nhà báo Thu Thủy: Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ trọng án, vậy theo ông nguyên nhân quan trọng nhất là gì?
Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Vâng, chúng ta đã thường thấy, trong những năm vừa rồi tình hình tội phạm có những diễn biến khá phức tạp. Điều dư luận quan tâm là thời gian gần đây, đối tượng gây án gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như sát hại một lúc rất nhiều người, phương thức thủ đoạn gây án thì lạnh lùng, tàn ác và gây bức xúc dư luận xã hội.
Nói về nguyên nhân thì xuất phát từ rất nhiều yếu tố từ tâm lý, đạo đức, rồi kinh tế, văn hóa và cả ảnh hưởng của truyền thông, ... Nhưng một trong những yếu tố chúng ta cần phải lưu ý là trong xã hội mở hiện nay có rất nhiều sức ép, từ nền kinh tế thị trường, từ việc làm, lao động và từ những giá trị cuộc sống thay đổi. Cho nên, những điều này đã khiến một bộ phận dân chúng, nhất là giới trẻ đã có sự thay đổi về mặt nhận thức, hành vi và đặc biệt đó là sự xuống cấp về đạo đức và lối sống.
Chúng ta thấy rằng, những hành vi xấu xa, bạc ác, tàn nhẫn trước đây thường bị lên án, bị xử lý và trừng trị rất nghiêm khắc và trong xã hội người ta lên án rất mạnh mẽ. Nhưng ngày nay, những việc này đối với nhiều người lại trở thành việc bình thường. Và đặc biệt là giá trị của đồng tiền được lên ngôi, người ta chạy theo những giá trị đó cho nên nó dẫn đến những xung đột, tranh chấp, tranh đoạt. Khi nó làm cho đạo đức của con người thay đổi, nhận thức của con người không chuẩn mực dẫn đến lệch chuẩn thì dễ dẫn đến hành vi rất nghiêm trọng.
Một vấn đề nữa là sự ảnh hưởng của vấn đề văn hóa và truyền thông. Ngày nay chúng ta thấy phim ảnh, sách báo, internet, mạng xã hội tràn lan, xâm nhập vào mọi nơi, mọi lúc của cuộc sống. Trong khi đó, những người trẻ tuổi thường tiếp cận với những hiện tượng này một cách rất nhanh chóng. Khi kỹ năng sống, kinh nghiệm sống, rồi nhận thức chưa hoàn thiện về mặt nhân cách và thể chất, những đối tượng này, những người trẻ tuổi thường có xu hướng thích khám phá, thích thể hiện mình, họ tiếp cận những cái tiêu cực nhanh hơn. Qua tác động nhiều lần, thường xuyên như thế, rõ ràng có tác động ảnh hưởng xấu về tâm lý, nhận thức. Khi đạo đức, nhận thức, lối sống biến đổi theo chiều hướng tiêu cực thì dẫn đến hành vi của nó cũng rất khác. Đấy là một trong những nguyên nhân tôi cho là dẫn đến hành vi của tội phạm, nhất là trong những người trẻ tuổi, nó trở nên lạnh lùng, trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhà báo Thu Thủy: Tại sao những vụ trọng án xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây lại đều bắt nguồn từ mâu thuẫn rất nhỏ, ông có thể lý giải về điều này?
Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Qua nghiên cứu về tâm lý của tội phạm, chúng tôi thấy thể hiện một điều rất rõ là, nền tảng nhận thức của một bộ phận giới trẻ có rất nhiều hạn chế, không thích nghi được với cuộc sống hiện nay. Những yếu tố tích cực không được bồi đắp. Cho nên, khi những yếu tố tiêu cực như người ta sống với nhau vô cảm, rồi tranh đoạt với nhau trong đời sống hàng ngày, sự xung đột và kể cả giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, bằng những thủ đoạn nhiều khi mất hết tính người cứ tác động vào như vậy.
Một bộ phận giới trẻ, nhất là những người không được nhận thức hay không được giáo dục đầy đủ, không có môi trường lành mạnh thì nó tác động hình thành nhân cách, mà nhân cách đó thể hiện trong hành vi. Nên khi đối tượng gây án, thường là bộc lộ tính bản năng. Mà khi bản năng chi phối thì chúng ta không thể lường trước được hậu quả của nó xảy ra sẽ như thế nào.
Nhà báo Thu Thủy: Điều đáng lưu ý, trong xã hội trước đây khi có mâu thuẫn họ đều có nhiều cách để hòa giải với nhau, nhưng trong thời gian gần đây, khi xảy ra xung đột, mâu thuẫn thì họ đều hành xử theo cách sát hại lẫn nhau, ông có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?
Một thực tế chúng ta thấy, mâu thuẫn hàng ngày hiện nay cũng gia tăng. Cuộc sống ngày trước bình yên hơn do môi trường xã hội, môi trường kinh tế không phức tạp như hiện nay. Đấy là điều tất yếu của sự phát triển, mặt trái của sự phát triển.
Một vấn đề nữa, bên cạnh những căng thẳng đó như tôi đã đề cập, việc rèn luyện kỹ năng ứng xử, ứng phó trong cuộc sống không được quan tâm đầy đủ, đúng mức nên khi gặp xung đột nhỏ thôi, một cái nhìn hay vì một va chạm nhỏ giao thông, người ta cũng có thể rút dao ra để xử lý với nhau. Một mâu thuẫn hàng xóm láng giềng, chuyện nhỏ thôi, như vụ án ở trong Nghệ An, chỉ vì cái lá chanh,... Nhận thức hạn chế về mặt cuộc sống, rồi kiến thức, nhận thức về pháp luật hiện nay là lỗ hổng rất lớn đối với nhân dân nói chung và giới trẻ nói riêng.
Nếu một khi người ta biết rằng hành vi đó bị xã hội lên án gay gắt, rằng hành vi đó nhất định sẽ bị trừng trị và hành vi đó sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng cho nạn nhân, cho bản thân người gây ra hành vi đó cũng như cho gia đình họ, người thân họ thì tôi tin rằng khi đó ít khi họ dám hành động như vậy.
Nhà báo Thu Thủy: Xin cảm ơn đại tá đã tham gia chương trình.
VietNamNet
THEO DÒNG SỰ KIỆN |