Thỉnh thoảng viết mấy dòng trên mạng xã hội về Hà Nội, tôi lại nhận được nhiều ý kiến tiếc nuối. Chợt có ngày nhận ra có một câu nói tần suất ngày một nhiều: “Còn đâu hồn cốt của Hà Nội?”.
Vốn người lẩn thẩn, tôi hay đi tìm những nét hình xưa cũ trên những đường gờ, chạm khắc, phào chỉ… Việc này không chỉ ở Hà Nội, mà ở bất cứ thành phố nào tôi đặt chân đến. Với Sài Gòn cũng vậy. Những căn biệt thự cũ ở quận nhất, quận ba… có một sự quyến rũ đến mê hoặc. Một ngày sang Singapore, khi đi qua những tòa nhà của người Anh để lại, tôi lại tìm thấy những nét gì quen thuộc như một số ngôi nhà bên bờ sông Châu Giang ở thành phố Quảng Châu, Ấn Độ và Malacca.
Năm ngoái, khi sang đến tận Petoria (Nam Phi), thật sửng sốt vì nhận ra một điều: thành phố này có gì đó rất giống Kuala Lumpur, nhưng có lẽ tất cả những chỗ đã đi, tất cả những gì tìm kiếm được, đều có sự giống nhau nào đó. Điều tôi tìm kiếm là những gì được để lại từ thời thuộc địa, những dấu vết của một thời kỳ văn minh.
Nếu như bây giờ chúng ta nhìn lại và cho rằng đó là thời của xâm chiếm thuộc địa, của đô hộ… cũng đúng. Nhưng với những người dân bản xứ như chúng ta, sự xâm lăng đó cũng song song với một sự “đem đến” những giá trị nhất định của nền văn minh nhân loại.
Có lần một bạn người nước ngoài hỏi tôi: Bạn sinh ra và lớn lên ở Thủ đô, vậy bạn có phải người thủ đô gốc không? Không. Bạn ấy lại hỏi: “Vậy bây giờ ngồi ở thủ đô của tôi, bạn nhớ thành phố của bạn như thế nào?”.
Tôi kể cho bạn ấy rằng, có những điều mà những thị dân của thành phố thủ đô của tôi nếu chỉ mới sống hơn chục năm, sẽ rất thiệt thòi vì không hình dung ra được. Tôi kể, khi ở Mátxcơva đi lang thang buổi tối trong trời tuyết, nhìn lên cửa sổ các căn hộ, thấy “bên này” thắp nhiều bóng đèn sợi đốt “cho ấm” có màu của ánh sáng lọt ra “rất Hà Nội". Lúc đó tôi nhớ đến bài hát “Ô cửa sổ Mátxcơva” lại nghĩ, tại sao các nghệ sĩ lại dễ gặp nhau đến vậy.
Khi đi xa, tôi nhớ “những ánh đèn qua ô cửa sổ”. Bây giờ thành phố rực rỡ sắc màu, không còn kiểu trầm mặc của một Hà Nội của những năm 1980, và ánh đèn qua những ô cửa sổ cũng không còn như cũ, nhưng ký ức vẫn thế.
Mấy năm trước khi đọc một bài báo tả về hai ông cụ bà cùng các con vẫn cố giữ nếp sống Hà Nội “xưa” (trước 1954), tôi đã xúc động vì như nhìn thấy ông bà, cha mẹ mình. Nhưng khi đọc ý kiến của một người nào đó chê bai là “đã không có tiền lại còn cố bấu víu vào cái nếp sống cổ hủ…” cũng hơi băn khoăn.
Có lẽ những người thị dân mới của thành phố, có điều gì đó không hiểu tại sao lại vẫn còn sót lại những nếp sống xưa cũ như thế. Cũng có nhiều người bạn mới của tôi, những người mới quen từ khi vào Đại học, hay từ khi đi làm, thực tâm muốn tìm hiểu về những đặc điểm nếp sống Hà Nội cũ, hay hỏi tôi: “Điều gì làm nên những đặc biệt trong lối sống của người Hà Nội?”.
Thú thật là tôi không biết, có lẽ là trong gia đình tôi đã có thời là nhóm giai tầng “có điều kiện”. Nhiều gia đình ở Hà Nội, việc dạy bảo quan trọng lắm chẳng hạn, có những điều bất di bất dịch như “địa vị tiền của có thể phân cao thấp, nhưng không bao giờ phân sang hèn”. Có một điều quan trọng nhất chưa thấy cha mẹ và anh chị em của họ vi phạm bao giờ: Học dừng lại, làm gì cũng phải biết dừng lại.
“Người Hà Nội mới” với câu bình luận “không có tiền còn bấu víu…” đó không hiểu được tại sao lại có sự “cổ hủ” như vậy, vì bạn ấy cũng không hiểu được cái lẽ cần thiết khi nào phải dừng lại. Cũng như vậy, bây giờ người ta phàn nàn những “người Hà Nội mới” quá xô bồ, lộn xộn thậm chí tranh cướp khi tham gia giao thông, đó là một trong những biểu hiện của sự không được dạy phải dừng lại, từ khi còn nhỏ trong gia đình.
Thực chất, việc này không liên quan gì đến người Hà Nội hay không phải là người Hà Nội. Nhưng rõ ràng có một thực trạng đáng báo động và cảm nhận được, Hà Nội ngày càng đông và lộn xộn hơn. Hà Nội không còn là thành phố của xe đạp những năm 1980, không còn là thành phố của xe máy và xe đạp hỗn hợp của những năm 1990, càng không còn là thành phố của xe máy những năm đầu thế kỷ XXI nữa… mà nay là thành phố của ô tô. Người bạn Hà Nội nay đã định cư Sài Gòn quay lại với thủ đô chỉ để uống cốc cà phê, sửng sốt: Hà Nội nhiều ô tô hơn Sài Gòn!
Cứ nói vậy thôi, nhưng thực lòng mà nói, Hà Nội bây giờ đẹp hơn thời xưa rất nhiều. Dù mê những gì xưa cũ, nhưng cuộc sống có quy luật vận hành riêng, và chắc chắn là theo chiều hướng đi lên.
Chúng ta vẫn chứng kiến khi cơn bão Yagi càn quét, những người lái xe tải đi chậm trên cầu Nhật Tân dùng thân xe của mình che gió cho những người đi xe máy cùng qua cầu, vượt qua cơn bão. Đó là những người lao động khi nổi gió mới kịp về với gia đình, là những công dân của một Hà Nội mới.
Tôi chợt nhận ra mình lẩm cẩm. Những điều tôi đi tìm chỉ là những mảnh ký ức còn sót lại của một Hà Nội cũ, có giữ cũng không được và cũng không cần thiết, vì Hà Nội có cuộc sống riêng của nó, không bao giờ nên gọi Hà Nội là thành phố cũ, thành phố già… vì thành phố luôn trẻ, năng động và đầy sức sống.
Hà Nội của 70 năm xây dựng và phát triển, chúng ta cũng mong không chỉ từng công dân mà cả những người lãnh đạo, nỗ lực cho sự phát triển của thủ đô, biết vạch ra những giới hạn để giữ cho thủ đô một môi trường trong sạch, an toàn, văn minh.