Chiều 14/9, BS CKII Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho chị N.T.D. (40 tuổi, ngụ TP.HCM) bị viêm da kích ứng nặng do tiếp xúc với sứa biển.
Theo đó, chị T. nhập viện trong tình trạng cánh tay phải sưng đỏ, nổi nhiều bóng nước gây đau rát, nhiễm trùng và có nhiều đường hằn trên da.
Cánh tay phải chị D. phồng rộp, bỏng rát sau khi bị sứa biển cắn
Sau khi nhập viện, chị D. được điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và thoa tại chỗ. Dự kiến chị cần phải điều trị trong thời gian dài để cải thiện tình trạng da và tăng sắc tố sau viêm.
Bác sĩ Phượng cho biết, khi bị sứa cắn, bệnh nhân có thể xảy ra tình trạng viêm da kích ứng do tiếp xúc. Đây là phản ứng của cơ thể với những tác nhân từ môi trường bên ngoài, cụ thể là nọc độc của sứa.
Tùy tình trạng nặng hay nhẹ, mỗi trường hợp sẽ có biểu hiện khác nhau như ngứa, châm chích, đỏ, đau rát tại vùng tiếp xúc, nặng hơn có thể nổi bóng nước, phồng rộp da, rỉ dịch.
Vì vậy, sau khi bị sứa cắn, người dân cần có cách xử trí phù hợp tránh biến chứng. Bệnh nhân không nên chườm nóng, chườm lạnh, đắp lá cây, lấy cát chà lên. Khi bị sứa cắn, bạn cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán và chữa trị sớm.
Trước đó, chị D. đi tắm biển tại Phan Thiết, Bình Thuận. Khi đang tắm, chị thấy cánh tay phải đau rát do tiếp xúc với sứa biển. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chị dùng đá chườm lên vùng đau rát.
Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện mà cánh tay sưng đỏ, da phồng rộp, rỉ dịch… nên chị đến Bệnh viện Da liễu để thăm khám.
Liên Anh
Nam thanh niên bị rắn cắn vào ‘cậu nhỏ’ khi đi vệ sinh
Trong lúc đi vệ sinh, nam thanh niên đột nhiên thấy đau nhói ở vùng kín, khi nhìn xuống cậu hoảng hốt phát hiện một con rắn trong bồn cầu.