*Lược dịch câu chuyện của Antonio Villas-Boas, biên tập viên trang Business Insider.
Khi chiếc MacBook Pro 15 inch 2016 của vợ tôi ngừng hoạt động, như bao người dùng khác, tôi mang nó tới Apple Store để tìm sự trợ giúp.
Tôi biết trước rằng phí sửa chữa sẽ không rẻ. Nhưng khi Apple bảo rằng họ sẽ tính phí 1.500 USD, tôi đã cảm thấy rất sốc.
Chi tiết hơn một chút, phí sửa chữa mà Apple đưa ra là 1.475 USD chưa thuế. Tính thêm thuế, số tiền mà tôi phải bỏ ra chắc chắn sẽ vượt mốc 1.500 USD.
Không may là khi mua máy tôi không mua thêm gói bảo hành AppleCare+, thứ sẽ giúp tôi trang trải phí sửa chữa. Tôi sẽ nói thêm về cái này ở phần sau.
Thực tế thì vợ tôi đã vô tình làm đổ nước vào chiếc MacBook Pro của cô ấy và để sửa chữa chúng tôi sẽ phải mất số tiền tương đương những gì đã bỏ ra khi mua chiếc MacBook dưới dạng tân trang.
Dựa trên mức giá Apple đưa ra, tôi đoán rằng họ sẽ thay thế toàn bộ bo mạch chủ, phần đắt nhất của chiếc MacBook. Trên bo mạch có gắn chip, RAM, chip lưu trữ và vi xử lý đồ họa. Nếu không có bo mạch chủ, chiếc MacBook chỉ còn là một khung nhôm trống rỗng gắn với cái màn hình. Thay bo mạch chủ cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ mất hết dữ liệu.
Nước vào máy tạo ra những gỉ sét màu xanh trên bo mạch chủ
Trước khi quyết định xem sẽ sửa tại Apple hay mua máy mới, tôi đã thử tham khảo một giải pháp khác. Giải pháp đó là tới cửa hàng sửa chữa thiết bị Apple "trái phép" có tên Rossmann Repair Group tại New York. Cửa hàng được điều hành bởi Louis Rossmann này bị gọi là trái phép bởi họ không tuân theo các quy trình và giao thức của Apple trong việc sửa chữa thiết bị.
Chi phí sửa chữa mà Rossmann đưa ra cũng khiến tôi bị sốc nhưng theo chiều hướng tốt. Anh ta chỉ đòi có 425 USD.
So với báo giá 1.475 USD của Apple, đề xuất của Rossmann hấp dẫn hơn và tôi quyết định chọn giải pháp trái phép mà anh ta cung cấp.
Sau thuế, phí sửa chữa mà Rossmann yêu cầu rơi vào khoảng 465 USD và tôi tiết kiệm được tới 1.000 USD. Hiện tại, chiếc MacBook Pro của vợ tôi lại chạy ngon lành như trước khi bị đổ nước và cô ấy vẫn còn nguyên tất cả dữ liệu của mình.
Tại sao phí sửa tại những cửa hàng trái phép lại rẻ hơn nhiều so với Apple?
Nhóm sửa chữa của Rossmann chỉ thay thế duy nhất một con chip nhỏ trên bo mạch chủ thay vì thay toàn bộ bo mạch chủ. Kỹ sư của Apple hoàn toàn có thể thay thế con chip theo cách tương tự để giảm chi phí sửa chữa. Tuy nhiên, Apple luôn chọn cách tiếp cận ít rủi ro nhất khi sửa chữa thiết bị, đặc biệt là với những thiết bị bị đổ nước vào như chiếc MacBook Pro của vợ tôi.
Bo mạch chủ của MacBook, nơi chứa mọi linh kiện góp phần làm cho chiếc máy tính thực sự hoạt động
Ngay cả khi chiếc MacBook hoạt động tốt sau khi thay thế con chip, chẳng có gì đảm bảo rằng sau này nó không gặp trục trặc do lần vào nước trước đó. Với suy nghĩ ấy, Apple sẽ thay thế toàn bộ bo mạch chủ kể cả khi điều này khiến mức phí sửa chữa tăng cao. Thay bo mạch chủ xong cả Apple và người dùng đều yên tâm rằng chiếc MacBook sẽ hoạt động tốt, đầy đủ chức năng như vừa đập hộp.
Nhưng giải pháp "yên tâm" mà Apple chọn sẽ khiến người tiêu dùng phải trả một khoản phí khổng lồ, đặc biệt là khi họ không có AppleCare+. Với MacBook bị vào nước, về cơ bản sau khi sửa tại Apple, bạn sẽ có một chiếc MacBook mới với thông số tương tự cái cũ. Chỉ có vỏ máy và màn hình là nguyên bản.
Ngoài ra, những người đấu tranh cho phong trào Quyền sửa chữa thiết bị lại cho rằng Apple cố tình tính phí sửa chữa thiết bị đắt đỏ để buộc người dùng mua thiết bị mới. Đây là một nhận định có cơ sở bởi không chỉ MacBook, Apple tính phí sửa rất cao cho tất cả các thiết bị của mình.
Không phải ai cũng nên chọn giải pháp sửa ngoài
Tôi có thể nói rằng trải nghiệm của mình với Rossmann Repair Group là tuyệt vời và rẻ hơn đáng kể so với lựa chọn mà Apple cung cấp. Nhưng tôi không thể đảm bảo rằng mọi cửa hàng khắp nước Mỹ hoặc ở các quốc gia khác đều cung cấp giải pháp sửa chữa chất lượng và có mức giá tương tự.
Nếu bạn cần sửa chữa thiết bị của Apple, lựa chọn sửa ở đâu tùy thuộc vào vấn đề mà bạn gặp với thiết bị, khả năng tài chính của bạn và việc bạn có muốn an tâm tuyệt đối về thiết bị sau khi sửa hay không.
Nó cũng phụ thuộc vào trạng thái bảo hành của thiết bị mà bạn sở hữu và việc bạn có mua gói bảo hành mở rộng AppleCare+ hay không. Nếu còn bảo hành, tùy thuộc vào vấn đề, bạn có thể được sửa chữa miễn phí. Nếu nhận thấy thiết bị còn bảo hành, chính Rossmann cũng sẽ đề nghị bạn mang tới Apple Store để xem có được sửa miễn phí hay không.
Với AppleCare+, bạn được bảo hành miễn phí hoặc giảm phí sửa chữa cho 2 lần thiệt hại vì những tai nạn, bao gồm cả đổ nước vào máy. Giá gói AppleCare+ dành cho MacBook Pro 15 inch là 380 USD và phí sửa khi bị vào nước là 300 USD. Vì thế, nếu mua AppleCare+, chi phí sửa chiếc MacBook Pro của vợ tôi sẽ là 680 USD, đắt hơn gần 200 USD so với những gì Rossmann cung cấp nhưng yên tâm hơn nhiều vì dù giảm giá nhưng Apple vẫn sẽ tiến hành thay cả bo mạch chủ.
Mặc dù hài lòng với những gì Rossmann cung cấp nhưng nếu có AppleCare+ tôi sẽ chọn sửa chiếc MacBook Pro của vợ tại Apple Store. Thêm 200 USD, tôi sẽ chẳng phải lo gì về việc có thể có vấn đề phát sinh trong tương lai.
Nhưng khi không có AppleCare+, tôi chấp nhận rủi ro bởi tiết kiệm được 1.000 USD.
Với những ai có thiết bị hết bảo hành hoặc không mua AppleCare+ và đang bị Apple báo giá sửa đắt đỏ, tìm tới cửa hàng của Rossmann hoặc các cửa hàng khác là giải pháp khá thực tế. Tuy nhiên, trước khi quyết định sửa tại một cửa hàng nào đó bạn nên đọc đánh giá về họ trên mạng hoặc tham khảo bạn bè, người thân. Ngoài ra bạn nên nhớ rằng nếu không chọn giải pháp Apple cung cấp chẳng có gì đảm bảo rằng thiết bị của bạn không phát sinh thêm vấn đề sau khi sửa tại những cửa hàng ngoài.
Trí Thức Trẻ