Theo hồ sơ, 2 kỹ thuật viên sửa chữa iPhone đã tự ý truy cập vào nội dung riêng tư của cô gái 21 tuổi và phát tán lên mạng xã hội. Apple phải trả hàng triệu USD để xử lý bê bối và tránh đối diện với đơn kiện tai tiếng tại tòa án.
Vụ việc xảy ra vào năm 2016, tại một trung tâm ở California do đối tác Pegatron của Apple điều hành. The Telegraph cho rằng đây là một trong những vụ vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng nhất tại cơ sở sửa chữa iPhone được tiết lộ.
Hai nhân viên sửa chữa iPhone tại trung tâm ủy quyền của Apple đã đăng ảnh nhạy cảm của người dùng lên mạng xã hội. Ảnh: Newsblock. |
Nạn nhân là sinh viên đại học ở Oregon. Sau khi iPhone ngừng hoạt động, cô đã tìm đến trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple để sửa.
Trong quá trình đó, 2 kỹ thuật viên đã đăng lên mạng xã hội “10 bức ảnh chụp các giai đoạn khi cởi quần áo và một video khiêu dâm” bằng chính tài khoản của nữ sinh viên này. Nạn nhân chỉ biết đến vụ việc và vội xóa đi sau khi được bạn bè thông báo.
Thỏa thuận bồi thường cụ thể không được tiết lộ công khai, nhưng hồ sơ vừa xuất hiện mô tả khoản tiền lên đến hàng triệu USD.
Trong cuộc đàm phán, luật sư của nữ sinh yêu cầu Apple chi trả 5 triệu USD để giữ im lặng. Nếu không, họ sẽ khởi kiện vì việc này đã xâm hại nghiêm trọng quyền riêng tư, gây đau khổ về tinh thần cho nạn nhân. Cuối cùng, 2 bên đã đi đến thống nhất và câu chuyện được giữ kín.
Chỉ đến gần đây, xảy ra tranh chấp pháp lý giữa Pegatron - đối tác thay mặt Apple bồi thường - và công ty bảo hiểm từ chối chi trả, vụ việc mới được phanh phui.
Apple không bị nhắc tên trực tiếp trong vụ kiện mà chỉ được gọi là “khách hàng” nhằm giữ bí mật vụ bê đối cách đây 6 năm.
Sau khi sự việc bại lộ, Apple đã lên tiếng thừa nhận. Nhưng họ cho rằng việc công khai các chi tiết của thỏa thuận có thể "gây tổn hại không thể khắc phục" và gây ra "ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh".
"Chúng tôi rất coi trọng quyền riêng tư và bảo mật thông tin của khách hàng, có một số giao thức bảo vệ dữ liệu trong suốt quá trình sửa chữa", người phát ngôn Apple cho biết.
"Khi phát hiện vi phạm nghiêm trọng tại một đối tác vào năm 2016, chúng tôi đã xử lý nhanh chóng, đồng thời củng cố lại quy trình bảo mật trên toàn bộ hệ thống”.
Từ lâu, gã khổng lồ xứ Cupertino lập luận rằng việc ngăn bên thứ 3 tham gia sửa chữa thiết bị là giải pháp tốt nhằm bảo vệ quyền riêng tư. Tuy nhiên, bê bối này cho thấy có lỗ hổng bảo mật tồn tại ngay trong hệ thống của hãng.
Theo Zing/The Telegraph
Làm gì khi phát hiện dữ liệu cá nhân bị rao bán?
Nếu dữ liệu cá nhân của bạn bị rò rỉ và rao bán, cần hành động thật nhanh để tránh thiệt hại.