Những ngày qua, quan điểm của L.X.T sau chuyến đi phượt Điện Biên Phủ gây không ít tranh cãi trong cộng đồng mạng.
Theo chàng trai sinh năm 1990 này, một số bạn trẻ thường du lịch với tốc độ “nóc tủ”. Hơn nữa, điều làm mọi người thích thú nhất trên những cung đường chỉ dừng lại ở việc “check, check và check”.
Đa số ý kiến ủng hộ quan điểm này. Nhưng cũng không ít người cho rằng, điều đó chưa thực sự chính xác, mang tính áp đặt.
Quan điểm của chàng trai 9X nhận được nhiều ý kiến trái chiều trên diễn đàn dành cho dân "thích xê dịch". Ảnh chụp màn hình. |
Phượt phong trào, check-in là chính
Có lẽ, chuyện check-in “cúng” Facebook đã trở nên quá đỗi bình thường trong giới trẻ, không riêng gì dân tham gia phượt.
Hàng ngày, “công việc” thường xuyên của một số bạn trẻ hiện nay là lên mạng. Do đó, không khó để bắt gặp những hình ảnh họ đi phượt và check-in những nơi từng đặt chân qua.
Nhiều người đã lên tiếng bày tỏ sự đồng tình với chàng trai nói trên.
Thành viên Duy Anh cho rằng: “Giới trẻ bây giờ ăn theo phong trào là chính, thích hơn thua, chứng tỏ mình bản lĩnh hơn người khác. Nào là check-in Facebook khoe khoang đủ điều.
Dẹp bớt cái thói này đi, chẳng hay ho gì, chỉ làm người khác ghét thêm. Hãy làm đúng nghĩa của chuyến đi phượt, hãy tận hưởng nó, không phải đi để cho bằng bạn bằng bè rồi thấy người ta check-in cũng bắt chước làm theo. Tại sao cái gì cũng phải lôi lên Facebook?”.
"Quan điểm của mình, phượt là đi và cảm nhận, ngắm cảnh quan, sống với cảm giác ăn bờ ngủ bụi và rất ít khi check in. Đôi lúc đăng vài tấm ảnh thôi, chủ yếu là muốn thoát khỏi cuộc sống bộn bề tấp nập", nickname Mr. DAQ cho hay.
Anh Hoài Việt - một người đam mê phượt - chia sẻ quan điểm: “Phượt chẳng quan trọng đi đâu, chẳng quan trọng đích đến, quan trọng là mình được hoà vào thiên nhiên núi rừng. Vì tôi yêu núi rừng Việt Nam, yêu bản sắc các dân tộc Việt Nam.
Tôi chẳng quan trọng check-in, chẳng quan trọng điểm đến. Nếu không may trong đoàn một xe bị hỏng, tôi sẵn sàng huỷ điểm đến, chia sẻ khó khăn với mọi người”.
Giới trẻ ngày càng sống ảo?
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, mỗi người có một quan điểm riêng, miễn không làm gì gây ảnh hưởng đến người khác là được.
Tài khoản Họa Nguyễn bày tỏ: “Tuổi trẻ đi và cảm nhận là chủ yếu. Thế nhưng, chuyện có check-in cúng Facebook hay không lại là quyền tự do của mỗi người. Những nơi nào đẹp, đã từng đặt chân qua, họ có quyền chia sẻ cho mọi người thấy. Điều đó hoàn toàn bình thường”.
Nhiều người cho rằng, việc ghi lại những khoảnh khắc đẹp, check-in Facebook là hết sức bình thường. Ảnh: Hoài Việt. |
Anh Hoài Việt cho rằng, các hình ảnh trên Facebook không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa khoe mẽ. Đôi khi, chúng để chia sẻ kinh nghiệm từng trải qua cho anh em, bạn bè - những ai chưa đi được biết.
“Với tôi phượt đâu cần phải đi đến những địa điểm nổi tiếng để check-in, mà quan trọng bạn đi với ai, đi để vui vẻ, đi để biết là Việt Nam ta đẹp lắm”, Hoài Việt cho hay.
Về vấn đề này, blogger Nguyễn Ngọc Long cho hay: “Tôi không phải dân phượt nên không biết như thế nào là phượt chính hiệu. Mỗi người có một định nghĩa về phượt khác nhau nên có nhóm chủ yếu đi giống như đánh trận, check-in ở nhiều địa điểm. Đây cũng có thể coi là lối sống ảo trong một số bạn trẻ”.
Theo anh Long, việc sống ảo đó không quan trọng bằng việc phượt đem lại cho bản thân người đi giá trị gì.
“Nếu nhiều bạn muốn có những bức hình đẹp, sự quan tâm của mọi người thì họ hoàn toàn có quyền. Tuy nhiên, khi bạn đã bỏ qua công sức, tiền bạc, hãy trải nghiệm nhiều hơn, mang lại nhiều giá trị hơn từ những chuyến đi thay vì chỉ là chụp hình, check-in lên Facebook như vậy”, nam blogger nói.