"Nhà khoa học của nhà nông"-Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019 Nguyễn văn Tuấn vận hành máy cơ khí.

Nghĩ trong đầu, vẽ bằng hình dung, nhẩm những phép tính chẳng ai hiểu nổi, đôi khi lại thần người ra với cái nhìn thẳm sâu hút ra ngoài bậu cửa, hẳn đó là lúc anh đang lần giở những bản vẽ đã được đóng khung, đánh số trong đầu sau nhiều đêm thức trắng. Nguyễn Văn Tuấn (SN 1980) trú tại thôn Pò Nim, xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đích thị là một “dị nhân”, nhà sáng chế chân đất giữa non ngàn hun hút sương giăng này.

Con đường trở thành “Nhà khoa học”

Ngồi trước chúng tôi là một thanh niên còn khá trẻ với khuôn mặt thiện lành và một đôi mắt biết nói. Thật khó có thể hình dung với bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật ở một vùng nông thôn miền núi vốn chỉ biết đến ngô, khoai, lúa, lợn mà Nguyễn Văn Tuấn lại mang trong mình đam mê và tố chất của một nhà sáng chế.

Ngôi nhà, xưởng sản xuất, phòng nghiên cứu… kể mà để gọi cho chuẩn xác chỗ anh đang ở và làm việc cũng thật khó thay. Chỉ biết, trên đầu, dưới chân, ngang hông đâu đâu cũng là sắt, là dầu, là những bu-lông, máy phay, máy cắt. Tuấn bảo, gia tài của người làm cơ khí là vậy, ăn sắt, ngủ sắt, nằm cạnh vợ cũng nghĩ đến sắt. Ấy là anh tếu táo cho vui, chứ cái anh nghĩ thì cả xóm, cả xã ai mà đoán định nổi bao giờ.

{keywords}
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (hàng trên bên phải) trong một dịp thăm cơ sở sản xuất, chế tạo máy móc của nhà sáng chế chân đất Nguyễn Văn Tuấn (bìa trái).

 

{keywords}
"Dị nhân" Nguyễn Văn Tuấn đang vận hành máy phay tỉa bánh răng nông cụ cho khách.

Đẩy chén trà về phía chúng tôi, Tuấn cười, cái tuổi con khỉ nó thế, vất vả, "liều lĩnh" nhưng được cái tự tin, đôi khi có phần thái quá. Nhưng kể mà đã có đam mê, không dám nghĩ dám làm thì cũng uổng, mà đã nghĩ thì phải nghĩ cái gì cho bõ công làm. Rồi anh bắt đầu câu chuyện về những tháng ngày lao tâm khổ tứ cùng những đam mê sáng chế khiến một thời dân làng kêu anh là "dị nhân", "người đâu kỳ quặc"...

Học hết phổ thông, không lựa chọn làm thầy, mà quyết định làm thợ. Tuấn cho biết, cũng một phần vì gia đình hoàn cảnh khó khăn, sau anh còn ba người em; Tuấn muốn chia sẻ nhọc nhằn, gánh vác cùng bố mẹ nên đã quyết định học nghề. Và nghề được Tuấn ưu tiên hàng đầu là sửa chữa xe máy. “Chính từ đây tôi có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu và mày mò sáng chế”, anh nói.

Năm 2003, “nhà sáng chế chân đất” bắt đầu cho ra mắt sản phẩm đầu tay là máy thái chuối. Dân làng rỉ tai, cái thằng suốt ngày chỉ biết nhặt nhạnh đồ phế liệu, mua sắt vụn về đục đẽo, cắt gọt ấy mà lại làm ra được cái thứ bà con cần, trúng cái bà con mong thế mới tài.

Rồi Tuấn làm tiếp xe ba bánh giúp bà con chở ngô, khoai, lúa, lợn. Thành công bước đầu ấy kích thích thêm những đam mê trong anh. Còn bố mẹ, vợ con anh thì đau đầu khi thấy anh ngày càng ít nói, tiêu nhiều tiền hơn và lặng lẽ trong những cái nhìn rất xa thẳm.

{keywords}
Anh Tuấn say sưa và đặt cả tình yêu và trong từng sản phẩm cơ khí do mình thiết kế trong đầu và sáng chế ra...

 

{keywords}
Tất cả cũng vì đam mê và mong muốn những người nông dân bớt cực nhọc hơn nhờ những máy móc mà anh sáng chế ra.

Chị Hoàng Thị Nga, vợ anh Tuấn cười bảo, chẳng biết chồng em làm gì đâu, hồi ấy chỉ thấy ngày lôi sắt ra cắt, cất vào, rồi tối lại lôi ra cắt tiếp. Đêm thì cứ như người mất hồn, ngủ không chịu ngủ, thần người ra, nhiều lúc còn tủm tỉm cười một mình. Chẳng hiểu sáng chế sáng tạo cái gì, có thấy vẽ ra bao giờ đâu. Chẳng khác nào trẻ con, có mấy miếng sắt mà cắt nghịch được hết năm này qua năm khác.

“Tiền không thấy kiếm được mà tiêu thì nhiều lắm, toàn mua đồ phế liệu về cắt, chán lại gọi xe chở đi, bố mẹ chồng em cũng khuyên, bảo thôi, không sáng với chế gì nữa, lo mà sửa xe kiếm tiền trang trải gia đình đi nhưng không được”, chị Nga kể.

{keywords}
Trong làng, ngoài xã bây giờ hế nói đến Tuấn thì ai nấy đều tấm tắc khen ngợi. Thành công hôm nay của anh là kết quả của sự nỗ lực, kiên trì và không ngừng sáng tạo.

 

{keywords}
Chiếc máy này anh đã phải mất bao đêm thức trắng để chỉnh sửa và hoàn thiện.

Năm 2010, “dị nhân” Nguyễn Văn Tuấn sáng chế thành công máy vun ngô, tuy nhiên bà con không ai chịu tin, người ta bảo người làm thật còn chẳng được, máy thì vun làm sao, có mà hỏng hết ruộng hết vườn ấy.

Để chứng minh, anh Tuấn đã hướng dẫn người em rể rồi cho mang máy về làm, ngày đầu ông em rể gọi điện ra khoe vun được 1 kg, ngày 2, ngày 3 thì tăng lên 3-4kg, bằng cả 6 sức người làm. Bà con lại được dịp tròn mắt phục cái "thằng dở người” suốt ngày nghịch sắt. Ông em rể xung phong mua ngay chiếc máy đầu tiên ấy.

“Dị nhân” tiếp tục cải tiến thêm nhiều chức năng, đáp ứng được hầu hết nhu cầu của bà con. Như máy cho ruộng thụt, địa hình mấp mô với hệ thống cào cỏ, xới đất ruộng, đất bãi, tự đánh rãnh, tra phân lân, tra hạt ngô, vùi lấp đất liên hoàn, bơm nước (bơm tưới tiêu, bơm áp lực cao), hệ thống phát điện, kéo moóc, băm cây cỏ voi cho lợn, cho cá và trâu bò.

Thấy hiệu quả, bà con truyền tai nhau, rồi đặt hàng, anh bảo, làm ra đến đâu bà con mua hết đến đó. Nhưng khi đã cơ bản hoàn thiện thì lại không còn tiền để đầu tư sản xuất. Bài toán này còn khó hơn cả khi sáng chế ra nó. May về sau vận động được một số người chung vai gánh vác để thành lập Hợp tác xã như bây giờ.

“HTX dịch vụ chế tạo sản xuất công cụ máy nông nghiệp Thành Ngân của chúng tôi có 7 thành viên, chủ yếu là đồng bào các dân tộc trong vùng. Chúng tôi đang nỗ lực nghiên cứu, hoàn thiện đưa những ý tưởng vào thực tiễn cuộc sống”, anh Tuấn cho hay.

Đối diện “mẹ thành công”

Nói về thất bại, Tuấn kể, nhiều không nhớ hết, song những lần thất bại lớn thì không bao giờ quên. Ấy là lần lắp máy cho hệ thống tra phân lân, tra hạt ngô, hộp số tôi tự làm còn động cơ thì tận dụng động cơ xe máy, về cơ bản tốt nhưng tốc độ không nhanh, tôi đã nghĩ rất nhiều song gần như bó tay. Sau nghĩ đến động cơ máy xăng, khi lắp vào quả nhiên khỏe hơn, tốc độ và hiệu quả hơn. Nhờ đó mà có thêm động lực.

{keywords}
Anh Hoàng Văn Tú, một trong 7 thành viên HTX đến với "dị nhân" Nguyễn Văn Tuấn vì sự cảm phục và tin vào khả năng sáng chế của "dị nhân" này.

Còn lần anh Tuấn gần như bỏ cuộc là hệ thống tự đánh rãnh tra hạt ngô, cứ 10 hạt vỡ mất 4-5 hạt, tính đi tính lại, nghĩ nát óc không tìm ra nguyên nhân, nhiều lúc tưởng buông, nhiều người chêm vào nữa thành ra có chút lung lay. Họ bảo giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư còn không làm được nữa là... Đêm về nghĩ lên nghĩ xuống, đam mê đã ăn vào máu rồi, người nông dân quê mình còn nhiều vất vả, nghĩ đến thế là lại quyết tâm làm.

“Sau tôi phát hiện do bị trục sắt ép, tôi đã thiết kế bổ sung thêm ít cao su tạo đàn hồi, quả nhiên hạt ngô thả xuống không còn bị vỡ nữa. Từ những lần đó tôi nghĩ, nếu cứ gặp khó khăn thì buông chắc chắn sẽ không bao giờ thành công. Thành công không bao giờ dễ dàng đến cả”, Tuấn tâm sự.

Nhấp chén trà Tuấn bảo, lúc bế tắc, nhiều khi tưởng rằng phải bỏ cuộc, vậy nhưng cứ nghĩ đến cảnh những người nông dân quần quật lam lũ trên đồng mà hiệu suất chẳng được là bao, tôi lại nhủ lòng, phải nỗ lực hơn để giúp bà con mình thôi.

{keywords}
Thu nhập ổn định, được có thêm nghề mà không phải đi xa là tâm sự của Triệu Văn Lê khi tham gia HTX của "Nhà khoa học của Nhà Nông" Nguyễn Văn Tuấn.

 

{keywords}
Những người thợ cơ khí nông dân tại xưởng sản xuất của anh Nguyễn Văn Tuấn. 

 

{keywords}
Một chiếc máy nhiều chức năng sắp được ra lò.

Anh Hoàng Văn Tú, thôn Nà Đeng, xã Cường Lợi, thành viên HTX cho biết, lúc đầu tôi không nghĩ anh ấy có thể thành công, bản thân tôi được học về chế tạo máy còn không dám nghĩ làm được. Anh ấy lạ lắm, thiết kế mà chẳng có bản vẽ, vẽ hết trong đầu, khi làm thì lần giở trong đầu ra bảo anh em từng li từng tí một.

Còn anh Triệu Văn Lê, thôn Khuổi Nằn 1, xã Lương Hạ (Na Rì) thì cho hay, tôi trước đây chỉ ở nhà làm ruộng, giờ làm chỗ anh Tuấn vừa được học nghề, vừa cho thu nhập ổn định (tháng 5-6 triệu đồng - PV), lại vẫn được gần nhà, đỡ đần được gia đình vợ con. Nói chung là thuận trăm bề.

Chia sẻ với PV Báo điện tử DANVIET.VN, "dị nhân" Nguyễn Văn Tuấn cho biết, ý tưởng thì còn nhiều nhưng chúng tôi đang gặp khó khăn về vốn, hiện trung bình mỗi tháng bán ra thị trường khoảng 30 chiếc máy với giá từ 9-25 triệu đồng, tùy chủng loại, tuy nhiên cũng phải đầu tư nhiều.

"Một số nơi người ta đã xin làm đại lý, nhưng do thiếu vốn nên sản phẩm chưa đủ cũng cấp. Chúng tôi mong muốn được chính quyền, các sở, ban, ngành, các nhà đầu tư tạo điều kiện hỗ trợ, cho chúng tôi tiếp cận được với vốn vay ưu đãi để tiếp tục cống hiến, phục vụ bà con nông dân”, Nhhà khoa học của Nhà nông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Với nỗ lực tìm tòi, sáng tạo cùng những sáng chế hữu ích, năm 2019, Nguyễn Văn Tuấn đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen Đã có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ Quốc. Anh Nguyễn Văn Tuấn cũng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ Nhất -năm 2018. Anh cũng là chủ nhân của rất nhiều Bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, các sở, ngành, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn.

Vừa qua, anh vinh dự được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu xứng đáng nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019" sẽ diễn ra trọng thể vào trung tuần tháng 10 sắp tới.

(Theo Dân Việt)