Xem video:

Ngày 18/8, BS CKII Ngô Văn Hồng, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho 2 người phụ nữ bị sẹo giác mạc nhiều năm thoát khỏi cảnh mù lòa từ giác mạc của người cho chết não.

Theo đó, bệnh nhân đầu tiên là bà N.T.N.O. (67 tuổi, ngụ TP.HCM) có mắt trái bị viêm loét giác mạc từ 20 năm trước. Năm 2002, bà được một đoàn từ thiện tại nước ngoài ghép giác mạc.

Khoảng 2 năm gần đây, bà bị thải ghép làm giác mạc bị sẹo hóa, xơ cứng trở lại khiến mọi sinh hoạt gặp khó khăn vì chỉ còn nhìn thấy mờ bóng bàn tay.

{keywords}

Bác sĩ Ngô Văn Hồng thăm khám cho bà O. sau phẫu thuật

“Tôi không nghĩ mình sẽ nhìn thấy ánh sáng trở lại. Trước đây, tôi được ghép giác mạc từ nguồn hiến tại nước ngoài còn tại Việt Nam, nhiều người vẫn suy nghĩ khi chết phải nguyên vẹn", bà O. kể. 

"Khi bác sĩ Hồng thông báo có nguồn hiến, tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi có thể nhìn thấy ánh sáng như bao người”, bà O. xúc động nói.

Bệnh nhân thứ hai là bà T.K.L. (52 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu). Bà L. bị sẹo giác mạc cách đây 2 năm vì côn trùng bay vào mắt trái. Sau đó, bà tự mua thuốc nhỏ mắt nhưng vài tháng sau, mắt của bà càng ngày càng mờ.

Đi bệnh viện khám, bà được bác sĩ chẩn đoán sẹo giác mạc khiến bà không thể nhìn thấy. Bà L. là lao động chính trong nhà nên cuộc sống của gia đình ngày càng khó khăn hơn.

“Bác sĩ cũng tư vấn phải chờ có người hiến giác mạc thì mắt tôi mới có thể sáng trở lại. Tôi nghĩ mình không còn hy vọng và chấp nhận sống với bóng tối. Tuần trước, tôi được bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo lên TP.HCM gấp để thực hiện ghép giác mạc. Mọi thứ với tôi như một giấc mơ”, bà L. nghẹn ngào nói.

Theo bác sĩ Hồng, qua 3 ngày phẫu thuật, hiện thị lực của 2 bệnh nhân đạt 1/10. Khoảng 4-5 tháng sau, thị lực sẽ phục hồi 50%.

Trong 6 năm qua, kể từ khi có chương trình ghép mô tạng từ người cho chết não, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện 18 ca ghép giác mạc.

"Thông thường, sau phẫu thuật, các bệnh nhân phục hồi tối đa 50% thị lực vì các tổn thương bên trong mắt trước đây đã thành sẹo. Trong các ca đã mổ tại bệnh viện, chỉ có một ca đạt tỷ lệ phục hồi là 7/10 thị lực”, bác sĩ Hồng chia sẻ.

Bác sĩ Hồng cho biết, theo thống kê tại Viện Mắt Trung ương cách đây 10 năm, có 300.000 người dân bị sẹo giác mạc. Vì vậy, việc hiến giác mạc rất có ý nghĩa, có thể giúp người bệnh hồi sinh thị lực.

Bác sĩ Hồng cũng khuyến cáo, có nhiều nguyên nhân gây sẹo giác mạc. Trong đó, chiếm tỷ lệ nhiều nhất là tự ý dùng thuốc nhỏ mắt, bị chấn thương do tai nạn lao động, đặc biệt với những người làm nông dễ bị lúa, gạo, đất… rơi vào mắt.

Thói quen của nhiều người là dụi mắt sẽ khiến giác mạc bị xước, lâu ngày tạo thành sẹo giác mạc.

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, người hiến giác mạc là một bệnh nhân nam, 64 tuổi, ngụ Bình Dương.

Người này bị tai nạn lao động và được cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175. Bệnh nhân có di nguyện mong muốn được hiến tạng để cứu người.

Theo bác sĩ Thu, sau khi tiếp nhận thông tin, người hiến tạng được chuyển từ Bệnh viện Quân y 175 qua Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, bệnh viện tiếp tục đánh giá tình trạng bệnh lý để cố gắng cứu chữa bệnh nhân nhưng không thành công. 

Các bác sĩ đã có những xét nghiệm kiểm tra nguồn tạng hiến từ người đàn ông chết não và xác định có 2 giác mạc sử dụng được. Khoa Mắt đã tiến hành 2 ca phẫu thuật song song để ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân.

Sau câu chuyện của bé Hải An, thời gian qua, số người đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã tăng rất nhiều, trung bình có khoảng 30 người đăng ký hiến tạng online một ngày. Đến thời điểm hiện tại có khoảng 16.000 đơn đăng ký hiến tạng, trong đó, số người chính thức nhận được mô tạng là 36 trường hợp.

Liên Anh

Cô gái trẻ khỏi Covid-19 vượt nỗi sợ hãi 20 năm để hiến huyết tương

Cô gái trẻ khỏi Covid-19 vượt nỗi sợ hãi 20 năm để hiến huyết tương

Yến chia sẻ, niềm mong mỏi được giúp đỡ người khác, được góp sức cùng các bác sĩ cứu người lớn hơn rất nhiều so với những nỗi sợ hãi.