LTS: Những ngày cuối cùng của năm 2023 sắp qua đi, một năm mới sắp đến. Với nhiều người, đây là lúc hưởng thụ những trái ngọt gặt hái được trong năm, nhưng không ít người khác vẫn đang phải từng ngày, từng giờ vật lộn với cuộc sống khó khăn, mong có được một cái Tết sum vầy, ấm áp bên người thân. 

Với diễn đàn Chuyện cuối năm VietNamNet mong muốn trở thành cầu nối chia sẻ những câu chuyện, tâm sự của tất cả mọi người về khó khăn, vất vả cũng như thành công đạt được trong năm qua và cả những ước vọng cho năm tới. Bài viết chia sẻ của độc giả, xin gửi về hòm thư: [email protected].

Vợ chồng em đều là dân quê, lấy nhau mấy năm nhưng chưa có con cái. Cách đây vài năm, thấy mấy anh chị em trong xã vào miền Nam tìm được việc làm có vẻ thuận lợi nên chúng em cũng bỏ ruộng vườn lại cho ông bà, dắt díu nhau vào miền Nam, xin làm công nhân cho một nhà máy ở khu công nghiệp. Công việc vất vả, nhưng vợ chồng chung lưng đấu cật nên cũng đủ sống và để ra được chút tiền.

Hai vợ chồng bàn nhau đi làm công nhân vài năm, ăn uống tằn tiện, tiết kiệm chắt bóp để có tiền thăm khám xem chuyện con cái ra sao. Ông bà ở quê mong ẵm bồng cháu từng ngày mà chúng em mãi chưa có tin vui. Nhà chồng em vốn thưa người, kinh tế lại eo hẹp, nên không biết trông chờ vào ai. Có người đánh tiếng cho vay, nhưng chúng em dùng dằng mãi vì sợ không biết sau này trả nợ ra sao.

Mới đi làm xa được hơn một năm thì đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến. Ban đầu, nhà máy còn cố gắng gượng nhưng sau vài đợt phong tỏa, khó khăn quá họ đành cho công nhân nghỉ việc, hẹn hết dịch thì gọi quay lại. Vợ chồng em quay về quê sống. Dịch bệnh qua đi, chúng em chờ mãi không thấy nhà máy gọi quay về, nên đầu năm nay, hai vợ chồng lại khăn gói vào Nam.

benhnhanthuoc.jpg
Chồng em bảo sẽ làm thêm mấy ngày trong Tết, kiếm tiền cho em mua thuốc điều trị. Ảnh minh họa: Võ Thu

Tới nơi, chúng em mới biết là nhà máy không có đơn hàng nên nghỉ vô thời hạn. Tình cảnh của nhiều công ty khác trong khu công nghiệp cũng không khá hơn, nhiều công nhân phải chờ việc dài hạn đã bỏ đi tìm việc khác. Cứ tưởng hết dịch, mọi thứ lại trở về như trước. Ai dè, đi đâu cũng thấy mọi người than vãn kinh tế khó khăn. Người có trình độ còn thất nghiệp đầy ra, huống hồ công nhân ngoại tỉnh như chúng em.

Công việc thì không có mà tiền thuê nhà, tiền ăn hàng ngày vẫn phải chi ra, nên em theo các chị trong xóm trọ hàng ngày đi bán hàng rong, nhặt ve chai. Còn chồng em thì thuê lại xe của một người bạn để chạy xe ôm nhưng sức khỏe anh ấy không tốt nên chỉ chạy được bữa đực bữa cái.  

Vợ chồng em đã vài lần định trở về quê làm nông nghiệp như trước, nhưng nghe các anh chị trong xóm nói đây là nơi dễ kiếm sống nhất với dân lao động nhập cư, nên chúng em quyết tâm ở lại. Chúng em còn trẻ, lại có sức khỏe thì tại sao không cố gắng lao động kiếm tiền, tích cóp được một chút cũng tốt. Về quê không hẳn là không tốt, nhưng tiền chạy chữa con cái thì lấy đâu ra.

Ai ngờ, một ngày giữa tháng 7, em đang đi bán hàng thì đau bụng quá, phải nhờ người ta đưa giúp vào viện. Mấy hôm trước đó, em đã thấy đau âm ỉ rồi nhưng nghĩ là do ăn phải cái gì đó thôi. Tới khi bác sĩ thăm khám mới biết là em đau ruột thừa. Do em không kiểm tra sớm nên giờ phải mổ gấp. Cũng may là sau ca mổ, sức khỏe của em hồi phục khá nhanh.  

Ở bệnh viện có mấy ngày thôi, vợ chồng em đã chi gần sạch số tiền tiết kiệm được suốt nửa năm. Em xin bệnh viện cho về tự điều trị. Nói là tự điều trị, chứ thực ra mấy loại thuốc đắt tiền bác sĩ kê, em có dám mua đâu. Cũng vì mới mổ ruột thừa nên em chưa thể đi bán hàng ngay, việc nặng nhọc cũng không thể làm.

Để có tiền, chồng em phải gắng sức làm nhiều hơn, đêm hôm cũng phải chạy xe. Cũng may, người bạn bớt cho một nửa tiền thuê xe nên đỡ được phần nào. Các chị em trong xóm trọ biết em bị bệnh cũng thay nhau giúp đỡ. Đúng là chẳng may hoạn nạn nhưng gặp được chân tình. Vợ chồng em thấy mình thật may mắn và hy vọng sau trận bệnh, mọi thứ sẽ lại tốt đẹp.

Nhưng cuộc đời không như mong ước, có lẽ em là người không mang lại may mắn cho những người xung quanh. Hôm rồi, em đi vệ sinh thấy khó chịu. Em sợ như lần trước không đi khám sớm nên từ bệnh nọ xọ sang bệnh kia. Kết quả sau khi chụp chiếu, em bị sỏi thận. Mặc dù phát hiện được sớm, nhưng bệnh này cần điều trị ngay, không thể để lâu. Nghe bác sĩ nói về bệnh tình của vợ, chồng em mặt méo xệch.

Hôm qua, em bảo với chồng là về quê mua thuốc nam uống tiêu sỏi cho đỡ tốn kém, đằng nào cũng sắp Tết rồi, nhưng chồng em không đồng ý vì sợ xảy ra biến chứng lại tốn kém hơn. Với lại, anh ấy cũng đã chi gần hết tiền cho việc thăm khám, điều trị ban đầu rồi, hiện chả còn được bao nhiêu. Chồng em bảo năm nay ở lại đây, anh ấy sẽ làm thêm mấy ngày trong Tết, kiếm tiền cho em mua thuốc điều trị, chứ về thì tiền đâu ra.

Buổi tối, các chị trong xóm sang chơi, cũng khuyên nhủ em nên ở lại. Các chị nói Tết là dịp kiếm được nhiều tiền hơn những ngày bình thường. Nếu buồn thì tối sang phòng các chị chơi, trò chuyện tâm sự lại vui như pháo rang ấy. Tết có mấy ngày thôi, về cũng không để làm gì mà lại tốn kém tiền tàu xe nữa. Em nghe chồng và các chị em xóm trọ khuyên cũng thấy đỡ buồn hơn, chỉ thương ông bà ở quê lủi thủi.

Tết là dịp nhà nhà đoàn tụ, vui vẻ ăn bữa cơm cùng nhau, nhưng không phải ai cũng được như vậy. Nhiều người cũng khó khăn như hoàn cảnh vợ chồng em. Nhưng em hy vọng ngày mai sẽ khác. Biết đâu, sau Tết, nhà máy sẽ gọi vợ chồng em trở lại làm việc hoặc biết đâu chúng em tìm được một công việc mới với thu nhập ổn định, các anh chị nhỉ!

Độc giả N.L.A.

Nhiều người xa quê chờ ngày ‘mang Tết về nhà’

Nhiều người xa quê chờ ngày ‘mang Tết về nhà’

Tết là cơ hội hiếm hoi để đại gia đình quây quần, vun đắp tinh thần cho năm mới. Thế nên, Tết đến, ai cũng có chút hối hả để gói ghém, hối hả trở về nhà. Đặc biệt với những người con đã xa nhà cả năm…