Chuyện dạy thêm, học thêm không phải đến khi lãnh đạo TP. HCM "hô" lên mới nóng, mà đã là "chuyện cơm bữa" của cả xã hội, không riêng gì của ngành giáo dục từ bấy lâu nay.
Nói nhiều, làm nhiều rồi, nhưng có vẻ như chuyện này không cách này thì cách khác vẫn diễn ra khi xã hội, phụ huynh và học sinh không… tự cấm, mà ngược lại.
Thực ra, không phải giáo viên nào cũng đủ sức thu hút học sinh đến học thêm, nếu họ không đủ uy tín và kinh nghiệm giảng dạy. Cũng không phải học sinh nào cũng đủ "trình" để theo học các lớp đó, vì mục tiêu học lên lớp hay chuyển cấp của học sinh không bao giờ là mặt bằng chung.
Từ lâu nay không dễ để ông hiệu trưởng hay bà chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn nào "dại mặt" đứng ra tổ chức lớp dạy thêm, học thêm, nếu không muốn bị kỷ luật. Nhưng sẽ là giáo viên "cài" hội phụ huynh hoặc ngược lại hoặc đồng thuận từ đầu, rồi hội sẽ... làm đơn tha thiết yêu cầu mở lớp, tất cả phụ huynh ký vào và lớp học đàng hoàng, chững chạc ra đời. Mọi việc hội phụ huynh lo, ai thắc mắc ý kiến hội trả lời thỏa đáng.
Ảnh minh họa: Tuổi trẻ |
Cũng trong thực tế, nhiều giáo viên giỏi đã nghỉ hưu được chính cha mẹ học sinh nhờ cậy hay họ tự nguyện mở lớp. Chưa kể việc giáo viên còn tại chức, vì uy tín, vì được yêu cầu nên bằng cách này cách khác bồi dưỡng học sinh ngoài giờ và họ làm việc có kết quả, được trả công xứng đáng. Xưa nay, chuyện người có điều kiện sẵn lòng mời thầy giỏi dạy kèm cho con cái với bất cứ “giá” nào không phải là chuyện hiếm.
Rồi chuyện sinh viên làm gia sư. Nhiều sinh viên nhà nghèo học giỏi, chủ nhà trọ sẵn lòng “nhờ cháu trông coi việc học của các em, cô chú coi như miễn phí tiền trọ” chẳng hạn, như có người từng mong mỏi thế…
Để thấy, khi xã hội cần thì việc dạy thêm học thêm tất yếu sẽ diễn ra thiên hình vạn trạng. Là bởi, trường chuyên, lớp chọn còn đó, trường công trường tư nở rộ như nấm sau mưa, trường quốc gia, trường chất lượng cao không bao giờ có "sàn" như các trường khác, thì việc cho con cháu đi học thêm cả Tiếng Việt lẫn Toán ở các thầy cô giáo giỏi nổi tiếng lâu nay vẫn còn. Học thêm môn nọ, môn kia ở "lò" thầy A, cô B chắc chắn đỗ trường B, trường C, hay ra tận Hà Nội học thầy thì mới mong đỗ các trường đặc thù như kiến trúc, âm nhạc hay hội họa... dù khó khăn, tốn kém đến mấy cũng phải làm, nếu không thì "cổng trường đại học cứ cao vời vợi".
Thay đổi cách ra đề thi đã làm cho các hợp tác xã luyện thi trước đây lần lượt tan rã mà không cần bất cứ biện pháp hành chính nào. Nhưng đề thi vẫn có câu hỏi nâng cao, câu hỏi phân loại chất lượng… thì ai không học thêm, người đó cắn bút và trượt là điều không cần bàn cãi.
Dạy chính qua quýt cho hết giờ, dạy phụ ngoài giờ mới là thực sự là điều “dân phản ánh” như lãnh đạo TP.HCM lần này kiên quyết chống.
Làm sao để giờ dạy chính, giờ học chính ở trường, ở lớp cũng đạt chất lượng như ở giờ dạy thêm, học thêm sẽ là câu chuyện chung của cả xã hội. Tương tự như câu hỏi bên ngành Y với chuyện chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và dịch vụ chất lượng cao, bác sỹ công và bác sỹ tư, giờ làm việc chất lượng thực sự là 8 giờ vàng ngọc ở cơ quan hay chỉ từ 17h – 21h cùng ngày ở cơ sở nhà? Nói cho cùng cũng là nhu cầu thiết thân của xã hội và nó tồn tại hay tự mất đi đều có lý do thực tiễn vô cùng sinh động.
Ai cũng biết việc cặp sách các cháu ngày càng nặng vì các bác, các cô cứ in, bán rõ nhiều sách học cũ rích và sách tham khảo giời ơi đất hỡi, cha mẹ các cháu lại phải nộp thêm tiền mua máy tính bảng hay sách điện tử; hoặc "trận đánh” nọ kia nóng rồi lại nguội… khiến cho chuyện học thêm, dạy thêm càng cấm càng khó dứt.
Nói cho cùng, học thầy, học bạn, học để giỏi giang hơn, đầu tư chính đáng cho con em ăn học thành tài… lẽ nào lại là việc không nên/cần khuyến khích?
Khó chăng, buồn chăng là ở chỗ, ai đó lên lớp/cơ quan/ bệnh viện… chỉ để đúng giờ, ghi tên đánh trống, in vân tay, cuối tháng, cuối năm không bị nhắc nhở, trừ điểm thi đua…, còn mọi sinh lực để dành hết cho “trận đánh” sau 17 giờ hàng ngày.
Vì thế, câu chuyện dạy thêm, học thêm và vô số chuyện chân trong, chân ngoài khác sẽ còn chưa có hồi kết thực sự!