Ở xóm Đình, xã Thượng Long, huyện Yên Lập (Phú Thọ), vợ chồng chị Đinh Thị Hoan được biết đến là hộ gia đình có cuộc sống khổ cực, từng lâm cảnh nợ nần, có lúc họ đã tính đến chuyện bán đất đai, vườn tược để lo trả nợ.
Cuộc sống ở quê “thiếu trước hụt sau”, vợ chồng chị phải tạm xa nhau để kiếm đủ tiền nuôi con đang độ tuổi ăn học.
Ít năm sau đó, nhờ dành dụm được số vốn ít ỏi, vợ chồng chị quyết định khởi nghiệp nuôi gà. “Lứa gà đầu tiên, sau khi bán trừ chi phí thức ăn, không tính công vợ chồng bỏ ra thì còn lãi vài ba triệu đồng. Có vốn, vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư nuôi lứa tiếp theo. Thế nhưng, lần này lỗ gấp 2 lần số lãi ban đầu vì khi thời tiết giao mùa gà hay bị cảm.
“Những lúc đó, tôi cũng chỉ biết cắt tỏi cho gà ăn để tăng sức đề kháng nhưng gà vẫn hay chết, con nào qua khỏi thì gầy yếu”, chị nói.
Thất bại là mẹ thành công, dù thua lỗ nặng nhưng vợ chồng chị không hề nản chí. Đặc biệt, sau khi hoàn thành khóa học chăn nuôi gà do Hội Nông dân huyện Phù Ninh tổ chức, chị Hoan đã biết lúc nào nên chủ động phòng bệnh cho gà để giảm được hao hụt.
Hiện chị Hoan đang nuôi hơn 2.000 gà sinh sản. Giống gà chị Hoan nuôi là giống gà ta. Trứng gà đẻ ra đến đâu, chị Hoan không ăn hay bán mà gom lại bỏ vào máy ấp trứng để sản xuất con giống.
Chị Hoan cho hay, “Cứ 3 ngày tôi gom được 1 khay đầy trứng cho vào máy ấp. Mỗi tháng tôi xuất bán 500 con gà giống với giá 10.000 đồng/con, thu về 5 triệu đồng. Đồng thời mỗi tháng tôi thu về thêm 2 triệu đồng nhờ bán thịt gà ta thương phẩm. Trừ hết chi phí, mỗi tháng tôi có lãi 4 triệu đồng từ nuôi gà”.
Sau lớp học nghề, chị Đinh Thị Tỵ đã biết cách chăn nuôi hiệu quả. |
Gia đình chị Hoàng Thị Thơm (ở xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh) cũng là một hộ từ nghèo khó đi lên khá giả.
Chị Thơm cho biết, gia đình chị trước đây vốn rất khó khăn khi chỉ chăn nuôi gà, lợn quy mô nhỏ, hiệu quả không cao do đàn vật nuôi sinh trưởng chậm, đôi khi dịch bệnh dẫn đến thất thu.
Năm 2017, chị đã cùng nhiều hội viên trong khu đăng ký tham gia lớp học sơ cấp nghề chăn nuôi thú y 3 tháng do Hội ND tổ chức.
Chị Thơm chia sẻ, trong thời gian học nghề, chị đã hiểu thêm phương pháp phòng bệnh cho vật nuôi cũng như cách chăm sóc, lựa chọn thức ăn phù hợp với đặc điểm sinh trưởng từng loài, từng thời kỳ. Nhờ đó, kinh tế gia đình chị đã khá hơn trước.
Học nghề để có việc làm
Theo báo cáo Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ, trong 3 năm qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã mở gần 40 lớp, đào tạo và cấp chứng chỉ trình độ sơ cấp nghề cho trên 1.000 học viên với các nghề phi nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Riêng năm 2019, Hội Nông dân huyện đã phối hợp Trung tâm Hỗ trợ và giáo dục nghề nghiệp Hội ND tỉnh mở lớp đào tạo, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề trồng rau an toàn cho 35 hội viên ở xã Hạ Giáp.
Cùng với đó, các cấp hội trong huyện còn phối hợp ngành nông nghiệp tổ chức 78 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho 5.320 lượt cán bộ, hội viên nông dân.
Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi từ đó cũng đạt nhiều kết quả khả quan.
Năm 2019, toàn huyện có gần 7.000 hộ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó 21 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 355 hộ giỏi cấp tỉnh...
Điển hình trên các lĩnh vực sản xuất có thể kể đến mô hình trang trại tổng hợp của hộ ông Trần Văn Hoa (ở xã Trị Quận) mang lại thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 15 lao động; mô hình chăn nuôi của hộ ông Nguyễn Văn Thao (ở xã Tiên Du) cho thu nhập 1,1 tỷ đồng/năm… Đáng chú ý các hộ nông dân giỏi đã tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ 36 hộ hội viên khác thoát nghèo.
Chủ tịch Hội ND tỉnh Phú Thọ - Hà Thị Hương cho biết: Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề đối với lao động trên địa bàn, trên cơ sở đó định hướng những ngành nghề phù hợp cho người lao động và tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, tư vấn việc làm, hoạt động dịch vụ hỗ trợ hội viên, nông dân có nhu cầu.
Thu Hằng