- Bố tôi mất đi để lại một căn nhà và một cái oto. Bố tôi không để lại di chúc. Nay dì ghẻ không chịu chia phần tài sản này cho hai chị em chúng tôi (tôi và chị tôi là con của vợ cả bố tôi hiện không ở với bố). Hiện bà dì ghẻ này cũng có một người con. Vậy chúng tôi phải làm thế nào để bà dì ghẻ phải chia tài sản của bố tôi. Và phần tài sản của bố tôi được chia như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thành Công tư vấn: Điều 632. Quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân. Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Điều 676 . Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Điều 679. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế
Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này.
Bạn hỏi nhưng thiếu nhiều dữ liệu vì vậy chúng tôi sẽ đặt thêm giả thiết tương ứng. Câu hỏi của bạn có 2 ý :
1. Quyền lợi được hưởng thừa kế : Căn cứ theo Điều 632, 676 BLDS thì bạn và chị của bạn có quyền được hưởng thừa kế tài sản của bố mình theo quy định của pháp luật; bạn và chị của bạn đều thuộc hàng thừa kế thứ 1. Bạn và chị bạn có thể khởi kiện ra tòa án cấp huyện (nơi có tài sản của bố bạn để lại) để được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Việc phân chia di sản: Vì bạn không nêu rõ tài sản của bố bạn (gồm 1 căn nhà và 1 xe oto) là tài sản chung với mẹ bạn trong thời kỳ hôn nhân hay tài sản riêng trước hôn nhân với mẹ kế hay là tài sản chung của bố bạn với mẹ kế nên chúng tôi đặt các giả thiết:
Giả thiết 1: tài sản là của riêng bố bạn và người con là con riêng của mẹ kế, sau khi bố bạn và mẹ kế là vợ chồng hợp pháp thì người con riêng đó không được bố chấp nhận như con ruột và giữa hai bên cũng không có quan hệ nuôi dưỡng qua lại sâu sắc; ông bà nội của bạn cũng đã qua đời.
Căn cứ vào Đ.676 BLDS, di sản của bố bạn sẽ được chia làm 3 phần đều nhau cho mẹ kế, bạn và chị của bạn.
Giả thiết 2: tài sản là của riêng của bố bạn và người con kia là con chung của mẹ kế và bố bạn hoặc là con riêng của mẹ kế nhưng giữa bố bạn và người này có quan hệ nuôi dưỡng qua lại sâu sắc với nhau thì người con đó đương nhiên thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo luật định và được hưởng tài sản thừa kế.
Căn cứ vào Đ.676, 679 BLDS, di sản của bố bạn sẽ được chia làm 4 phần đều nhau cho mẹ kế, bạn và chị của bạn, người con kia.
Giả thiết 3: Tài sản kia là của bố bạn và mẹ kế, tức được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân của họ thì ½ khối tài sản này là của mẹ kế. ½ còn lại là của bố bạn và được chia như cách của 2 giả thiết trên.
Luật sư Nguyễn Thành Công, Công ty Đông Phương Luật
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc