Hành trình 47 năm xây dựng và phát triển
Điểm lại những cột mốc quan trọng của thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Bước vào thời kỳ đổi mới, thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) luôn là địa phương đi đầu sáng tạo với nhiều mô hình mang tính tiên phong của cả nước, khẳng định tính hiệu quả trên cả lĩnh vực kinh tế và văn hóa - xã hội.
Vào năm 1991, từ đề xuất của TPHCM, Hội đồng Bộ trưởng đã thí điểm cấp giấy phép đầu tư cho Công ty liên danh xây dựng và kinh doanh khu chế xuất Tân Thuận, từ đó, ra đời Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước. Đến năm 1992, Khu chế xuất Linh Trung tiếp tục ra đời.
Năm 1993, Thành ủy TPHCM chủ trương thành lập Trung tâm chứng khoán Thành phố, xây dựng thị trường vốn; và đến năm 2000, Chính phủ cho phép thành lập Trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM - sở giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam. Cũng trong năm 2000, Khu công viên phần mềm Quang Trung hình thành từ việc chuyển đổi mô hình hội chợ triển lãm thành Công viên phần mềm trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và một số nước tiên tiến khác. Đây là nơi tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp phần mềm TPHCM và cũng là khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của cả nước.
Những năm đầu thế kỷ XXI, từ thực tiễn đổi mới, vận dụng đường lối của Đảng, TPHCM đã góp phần quan trọng cùng Trung ương chuyển dần cơ chế chính sách quản lý kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã có nhiều chính sách được cho phép thí điểm, mang tính đặc thù, cụ thể là Nghị quyết số 20-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2000 về phương hướng, nhiệm vụ, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị định số 93/NĐ/2001/NĐ-CP của Chính phủ năm 2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM; Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020.
Trong năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 21-KL/TW về thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM và Chính phủ ban hành Nghị định 48/2017/NĐ-CP quy định về một số cơ chế, chính sách, tài chính, ngân sách đặc thù cho TPHCM. Cũng trong năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực.
Ngày 16/11/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền địa phương tại TPHCM; trong đó quy định không tổ chức hội đồng nhân dân cấp quận, phường. Tuy nhiên nhìn lại giai đoạn 2009-2016, TPHCM cũng đã tiên phong thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, phường với kết quả là công việc triển khai nhanh chóng, bộ máy tinh gọn, giảm được tầng nấc, thời gian, quyền làm chủ của người dân được đảm bảo, phát huy và tiết kiệm ngân sách. Đây chính là những quyết sách quốc gia, dù chính thức hay thí điểm, đều có tính kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển của Thành phố.
"Trên hành trình 47 năm xây dựng và phát triển, Thành phố luôn nỗ lực giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước. Báo cáo chính trị của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng thể hiện giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố tăng bình quân 6,41%. Thành phố đóng góp 22,2% kinh tế của cả nước, thu ngân sách Thành phố luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước. Thành phố là địa phương có năng suất lao động cao nhất, bằng 2,6 lần cả nước. Thành phố còn là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất cả nước, chiếm 15% công nghiệp và 33% dịch vụ cả nước", ông Phan Văn Mãi chia sẻ trong bài viết quan trọng mới đây.
Đi đầu trong các phong trào
Theo ông Phan Văn Mãi, không chỉ là địa phương tiên phong trong những cải cách về kinh tế, Thành phố cũng là địa phương đi đầu trong các phong trào:
Tháng 2/1992, TPHCM là địa phương đầu tiên khởi xướng chương trình "Xóa đói giảm nghèo". Phong trào đoàn kết toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn hoạn nạn… là những việc làm sáng tạo, mang đậm tính nhân văn, nghĩa tình của người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn, góp phần quan trọng cùng chính quyền Thành phố chăm lo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân. Những phong trào, việc làm đó đã và đang lan tỏa rộng khắp, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp về một thành phố nghĩa tình.
TPHCM là nơi khởi điểm các hoạt động đã trở thành chương trình của cả nước như "Mùa hè xanh"; ủng hộ Quỹ "Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc"; "Góp đá xây Trường Sa", "Tấm lưới nghĩa tình", "Tiếp sức vì Trường Sa thân yêu"... Phát huy nét đẹp văn hóa, truyền thống nghĩa tình, các đoàn công tác của TPHCM hằng năm đều đi thăm, tặng quà, hỗ trợ người dân vùng biên giới, các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ; thăm các đồn biên phòng, đơn vị quân đội bảo vệ biên giới, biển, đảo Tổ quốc...
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương, đó là:
Đến năm 2025, Thành phố là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD;
Đến năm 2030, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á; Tầm nhìn đến năm 2045: Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu cho cả du khách và các nhà đầu tư quốc tế.
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/2022/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể đối với tiến trình vực dậy và tạo sức bật cho nền kinh tế, TPHCM một lần nữa, tiên phong ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025, xem đây là thời cơ vàng để vực dậy nền kinh tế đầu tàu cả nước. Thành phố xác định rõ mục tiêu và lộ trình triển khai phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Giai đoạn phục hồi (từ nay đến hết năm 2022), khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp những doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có cơ hội tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Giai đoạn phát triển (2023-2025), tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; Giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh của Thành phố: Trung tâm Kinh tế, Tài chính; Trung tâm thương mại - mua sắm; Trung tâm Dịch vụ Logistics; Trung tâm Du lịch; Trung tâm Đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ; Trung tâm Dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục; Trung tâm Văn hóa của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Có thể khẳng định, trải qua 47 năm, từ một thành phố bộn bề khó khăn sau chiến tranh, TPHCM đã vươn lên giữ vị thế đầu tàu kinh tế, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế của đất nước, nơi hình thành và phát triển những phong trào yêu nước mang đậm ý nghĩa nhân văn về một thành phố nghĩa tình - thành phố "vì cả nước, cùng cả nước".
Ông Phan Văn Mãi đã trích đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, ngày 3/9/2020 trong phần kết của bài viết:
"TPHCM là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực có sức hút, lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Trước đây, Sài Gòn là hòn ngọc của Viễn Đông, sau này mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, rực rỡ tên vàng, thiêng liêng không nơi nào có được. Trong kháng chiến, TPHCM rất kiên cường dũng cảm, trong hòa bình có nhiều sáng kiến sáng tạo, nhất là trong công cuộc đổi mới, là thành phố đi đầu đổi mới. Nhân dân có truyền thống anh hùng, là "thành đồng Tổ quốc", đây là vinh dự lớn. Vào thời điểm này, rất cần khơi dậy lòng tự hào của nhân dân TPHCM, phải thấy rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của Thành phố, từ đó xác định trách nhiệm làm thế nào xứng đáng những danh hiệu không nơi nào có được".