Hết hạn đăng kiểm, chủ xe như “ngồi trên đống lửa”
Những ngày qua, nhiều độc giả liên tục gửi câu hỏi cho VietNamNet liên quan đến vấn đề về đăng kiểm ô tô tại các khu vực đang áp dụng giãn cách xã hội như TP. Hà Nội. Đa phần chủ xe thắc mắc xoay quanh các trường hợp ô tô hết hạn đăng kiểm trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg và băn khoăn khi đưa xe ra đường có bị xử phạt hay không.
Chị Lê Vi Linh (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chiếc xe ô tô của chị đã hết hạn đăng kiểm vào ngày 21/7 vừa rồi, nhưng đúng vào dịp cả thành phố đang phải giãn cách xã hội nên chị chưa "dám" đi đăng kiểm.
“Thời gian này, mọi người đều hạn chế ra ngoài, còn chiếc xe của tôi đã không đi đến từ 2 tuần nay. Không biết khi hết dịch tôi đưa xe đi kiểm định thì có bị phạt vì quá hạn đăng kiểm hay không?”, chị Linh chia sẻ.
Chiếc xe của chị Linh đã quá hạn đăng kiểm gần 1 tuần. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Ngoài ra, không ít người băn khoăn về việc, liệu trong thời gian này đưa xe đi đăng kiểm có bị phạt vì ra đường không cần thiết?
Về vấn đề này, độc giả Nguyễn Thanh Nhã (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) thắc mắc: “Thời gian thực hiện giãn cách xã hội có được đi đăng kiểm xe hay không? Trong danh mục người dân được ra ngoài không có việc đi đăng kiểm xe, trong khi các trạm đăng kiểm vẫn hoạt động”.
Có thể nói, những lo ngại của chủ xe xung quanh vấn đề đăng kiểm ô tô là hết sức chính đáng và cấp thiết bởi lẽ theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phương tiện ô tô bị quá hạn đăng kiểm dù chỉ 1 ngày cũng có thể bị phạt 2-3 triệu đồng, còn hết hạn đăng kiểm trên 1 tháng bị phạt tới 4-6 triệu.
Đại diện Cục Đăng kiểm cho hay, việc xử phạt các phương tiện quá hạn đăng kiểm không thuộc thẩm quyền của cơ quan Đăng kiểm mà là của CSGT.
Người dân vẫn có thể đi kiểm định bình thường
Chia sẻ với VietNamNet, một cảnh sát giao thông (CSGT) đang công tác tại Phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội) cho biết, trong quá trình tuần tra kiểm soát, nếu CSGT phát hiện xe quá hạn đăng kiểm đều có thể nhắc nhở, xử lý theo quy định tại Nghị định 100.
Do vậy, người dân cần chủ động đến các trung tâm đăng kiểm gần nhất để kiểm định phương tiện của mình đúng thời hạn.
“Đi đăng kiểm không thuộc danh mục được ưu tiên ra đường, tuy nhiên, nếu chủ xe chứng minh được mình đang trên đường đi đăng kiểm và hạn kiểm định dán trên kính xe phù hợp thì chắc chắn các chốt kiểm soát sẽ tạo điều kiện cho người dân di chuyển”, vị CSGT này cho hay.
Đại diện này cũng khuyến cáo, người dân khi đi đăng kiểm ô tô cũng cần tuân thủ nghiêm công tác phòng chống dịch, khai báo y tế đầy đủ nếu được yêu cầu. Quan trọng nhất là đi đến nơi, về đến chốn, không lợi dụng việc đi kiểm định phương tiện để làm các việc khác trái quy định.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, các trung tâm, trạm đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội những ngày gần đây vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên hầu hết các cơ sở này có số lượng phương tiện đến kiểm định ít hơn rõ rệt so với trước.
Hầu hết các Trung tâm Đăng kiểm đều vắng vẻ trong những ngày này. (Ảnh: Hoàng Hiệp) |
Tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-03S nằm trên đường Lê Quang Đạo, Nam Từ Liêm, Hà Nội, trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 100 xe, thế nhưng từ khi Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, địa chỉ này có lượng xe đến giảm khoảng 20-30%.
Ông Nguyễn Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-03S chia sẻ: “Thời gian giãn cách xã hội như hiện nay, chủ xe có xu hướng hạn chế đi ra ngoài, trong đó có việc đi đăng kiểm ô tô. Dù lượng xe có giảm nhưng Trung tâm 29-03S vẫn duy trì hoạt động đăng kiểm như bình thường, đi kèm với áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo giãn cách, khai báo y tế,...”
Còn tại Trung tâm Đăng kiểm 29-08D có trụ sở tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), dù là đầu giờ chiều nhưng cũng chỉ có lác đác 2-3 chiếc xe đang tiến hành kiểm định, phần lớn là xe trong huyện Hoài Đức và khu vực lân cận.
Đại diện trung tâm này cho biết, vì không phải xếp hàng nên các xe đến làm thủ tục đăng kiểm tại đây chỉ mất khoảng 15 phút là xong, nhanh và thuận lợi hơn nhiều so với thường ngày.
Hiện nay, TP. Hà Nội có 26 cơ sở kiểm định xe cơ giới, trải rộng trên hầu khắp các quận, huyện, thị xã. Do đó, nếu phương tiện sắp đến hạn, chủ xe có thể lựa chọn cơ sở phù hợp để đưa xe đến kiểm định, tránh trường hợp phương tiện không được kiểm tra đúng kỳ hạn có thể gây mất an toàn kỹ thuật. Hơn nữa, việc để "trôi" đăng kiểm còn có thể bị phạt nặng khi ra đường.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô-xe máy, Báo VietNamNet theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Vì sao ô tô mới 100% vẫn phải đưa đi kiểm định chất lượng?
Nhiều chuyên gia cho rằng, một chiếc xe mới xuất xưởng đương nhiên phải đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng an toàn kỹ thuật trước khi lăn bánh, vậy việc mang xe đi đăng kiểm có phải là thừa?