Mấy ngày nghỉ lễ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương trong tháng 4 vừa qua, tôi cùng nhóm bạn đã có chuyến du lịch Vũng Tàu. Vì nền nhiệt độ ban ngày là khá cao, oi bức, nên không chỉ dân ở địa phương, mà khách từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận, nhân dịp được nghỉ lễ cũng đổ về đây nghỉ dưỡng và tắm biển rất đông. Ngay cả thời khắc buổi tối, các bãi tắm vẫn luôn chật cứng người bởi những người không có thời gian ban ngày, họ đã tranh thủ tắm vào buổi chiều, tối.

Trong vài ngày lưu lại nơi đây, có một vấn đề mà tôi thấy hơi buồn, đó là tình trạng rất nhiều người không có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống, khi quăng vứt rác bừa bãi khắp đây, đó, từ trên đường đi dạo cho tới tận bãi tắm ven sóng nước. Mặc dù khắp nơi ở thành phố biển xinh đẹp này, đâu đâu cũng có khá nhiều thùng rác được đặt rải đều, khá hợp lý ở các địa điểm, vậy mà không hiểu sao nhiều người vẫn vô ý xả rác một cách bừa bãi, vô tội vạ. Có nhiều khách vô ý đến mức, sau khi họ ăn uống xong, mặc dù thùng rác chỉ cách chỗ họ ngồi có mấy bước chân, vậy mà họ cũng không gom lại những vỏ bánh, vỏ lon, vỏ trái cây... để mang tới thùng rác để bỏ vào cho sạch sẽ(?!).

Ảnh: Đặng Đức

Vài lần xuống tắm, tôi còn thấy không ít các hàng quán còn mang cả đồ ăn, đồ uống ra tận sát mép nước phục vụ, nếu khách tắm có nhu cầu sử dụng. Những bàn, “chiếu” ăn nhậu theo kiểu “phát sinh” được trải, kê ngay tại bãi cát. Không hiểu các chủ quán hàng có nhắc nhở khách về việc phải bỏ gọn rác thải để thu gom lại không, nhưng qua quan sát tôi thấy có khá nhiều khách ăn uống xong rồi tiện tay vứt luôn rác ra bãi cát dưới chân. Nếu là các thứ rác bình thường còn đỡ, đằng này đây là một loại rác “đặc biệt” thải ra từ hải sản là: cua, ghẹ, tôm, cá... nên việc chúng bị lẩn quất trong cát tạo nên mùi hôi thối là điều chắc chắn.

Chưa kể, những loại rác “đặc biệt” ấy cũng rất có thể gây tai nạn, sát thương cho khách tắm biển, khi người đi tắm biển thường đi chân trần, rất có thể sẽ dẫm phải... Vẫn biết rằng, có những chủ quán hàng cũng nhắc nhở khách bỏ rác vào túi nilon, hay cũng thu gom rác sau khi khách ăn uống xong..., nhưng thực trạng để hàng quán mang cả đồ ăn, uống ra bãi tắm phục vụ khách như vậy ở bãi biển cũng cần được ban tổ chức các bãi tắm, cũng như chính quyền thành phố phải ngăn cấm triệt để, bởi xét một cách sâu xa thì, nếu không có việc ăn uống ngay trên bãi cát của các khu tắm biển như vậy thì ít nhiều cũng hạn chế được một lượng rác đáng kể mà người ta xả ra ở đó.

Thực ra chuyện người ta xả rác vô ý thức như thế không chỉ có ở biển Vũng Tàu, mà trong quá khứ từng đi tắm biển tại nhiều địa phương khác ở nước ta như: Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đồ Sơn (Hải Phòng) Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Ninh Chữ (Ninh Thuận), Mũi Né (Bình Thuận) ..., tôi cũng chứng kiến thực trạng tương tự như vậy. Dường như thói quen xả rác bừa bãi và vô ý thức từ lâu đã là “bản tính” rất xấu của không ít người Việt ta(?!). Nếu ai đã từng tới Singapore, Nhật Bản, hay thậm chí là Thái Lan…, và đi tắm biển, thì hẳn sẽ thấy ở đó người dân bản địa và khách du lịch đều cực kỳ có ý thức, khi hình ảnh rác thải vương vãi trên các bãi tắm là gần như không có, bởi nếu chỉ cần ai vô ý thức xả rác bừa bãi thôi, thì ngay tức thì sẽ bị phạt rất nặng, nên không ai dám vi phạm.

Bao giờ các bãi biển nói riêng cũng như các địa điểm du lịch nói chung ở nước ta luôn được tinh tươm sạch sẽ, không còn cảnh vương vãi đầy rác thải, có lẽ đó là câu hỏi đang chờ mỗi người dân chúng ta cần phải “nâng tầm” ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống luôn sạch, đẹp...

Độc giả Đặng Đức

*****

Chia sẻ các ý kiến của bạn về các vấn đề quan tâm theo địa chỉ: [email protected].