Cô dùng tiêu chuẩn gì để đặt việc “quanh quẩn bên chữ nghĩa” thì cao quý hơn “quanh quẩn bên nồi xôi”? Nếu không có những người quanh quẩn bên nồi xôi thì làm sao hàng triệu người được ăn xôi?
Thư thứ nhất, gửi cô giáo Thư Nguyệt
Cô Thu Nguyệt thân mến,
Tôi đã đọc bài VietNamNet ngày 10/09/2015 "Giảng viên đại học có nên gạt sỹ diện để đi bán xôi?", tôi xin được chia sẻ với hoàn cảnh và những suy nghĩ của cô.
Tôi cũng là một giáo viên đã từng đứng trên bục giảng nhiều năm và bây giờ tuy không trực tiếp giảng dạy, công việc của tôi vẫn có nhiều gắn bó với các thầy cô và với nhà trường nói chung. Lứa tuổi tôi ra trường vào những năm khó khăn nhất của đất nước. Lương hồi đó thực sự không đủ sống, tôi phải chịu đói (và cả rét nữa) một cách triền miên.
|
Có tiêu chuẩn gì để đặt việc “quanh quẩn bên chữ nghĩa” thì cao quý hơn “quanh quẩn bên nồi xôi”? Ảnh minh họa |
Hơn 10 năm, tôi và các đồng nghiệp của tôi đã từng làm thêm rất nhiều việc để sống: trồng rau, nuôi lợn gà, cấy lúa, mò cua bắt ốc, bóc lạc thuê, bơm vá xe đạp,… Những người giỏi hơn còn “chạy chợ”, tức là mua ở chợ này bán ở chợ kia, từ thóc gạo, rau quả, gà vịt, cho đến trà, thuốc lá, thuốc tây,…Nếu được bán xôi như cô dự định bây giờ đã quá sung sướng.
Tuy nhiên, vấn đề nan giải của cô không phải sợ khổ mà là sợ “mang tiếng”.
Tôi nghĩ, tất cả các nghề lao động không có nghề gì xấu. Chỉ có ăn cắp, ăn cướp, lừa đảo, tham nhũng (một kiểu ăn cắp, ăn cướp và lừa đảo có con dấu) mới là xấu. Càng những nghề vất vả, bụi bặm thì càng cần thiết cho xã hội và xã hội phải biết ơn người làm nghề đó. Ví dụ, những công nhân vệ sinh, nếu không có họ hằng ngày quyét rác, thu gom rác, dọn toilet thì cuộc sống sẻ ngừng trệ ngay lập tức!
Lương giảng viên và tổng thu nhập của gia đình cô như trong thư nói thì rõ ràng không đủ sống. Là một giảng viên, nếu cô làm thêm nghề bán xôi, thì tôi thấy cô là một người đáng kính trọng. Nếu xôi của cô ngon và cô bưng xôi phục vụ ngay chính học trò của mình một cách tử tế, lịch sự thì cô lại càng hết sức đáng kính trọng, cô ạ. Chúc cô thành công.
Thư thứ hai, gửi cô giáo Lê Tâm
Cô Lê Tâm thân mến,
Nỗi khó khăn và khổ tâm của cô giáo Thư Nguyệt (TN) lẽ ra cần được cộng đồng, nhất là các đồng nghiệp chia sẻ, động viên, thì tôi thật quá bất ngờ với ý kiến của cô trong bài Đừng chường mặt bán xôi kẻo làm mất mặt nghề giáo trên VietNamNet ngày 11/9/2015.
Theo cô, “Mình là giảng viên thì chỉ nên quanh quẩn bên chữ nghĩa chứ đừng quanh quẩn bên nồi xôi. Mình đứng trên cao để giảng dạy cho sinh viên bên dưới chứ không phải lom khom cúi cúi bưng đồ ăn cho khách. Bạn thử nghĩ xem, ở trên lớp đang được trọng vọng, có giá như thế mà lại làm bà bán xôi đon đả phục vụ người khách có thấy chán không?”. Và cô kết luận: “Đường đường là giảng viên mà lại chường mặt ra bán xôi có khác nào tự mình làm “mất mặt” nghề giáo”
|
Giảng viên đại học đứng trên bục giảng mà dạy kém, nhân cách tồi thì làm sao sánh được với cô bán xôi có xôi ngon và bán hàng tử tế, lịch sự. (Ảnh minh họa) |
Tôi biết cô Lê Tâm (LT) nói những điều trên một cách rất hồn nhiên, vô tư nhưng thực tôi quá sốc với cách nghĩ ấy, cô ạ. Cô dùng tiêu chuẩn gì để đặt việc “quanh quẩn bên chữ nghĩa” thì cao quý hơn “quanh quẩn bên nồi xôi”? Nếu không có những người quanh quẩn bên nồi xôi thì làm sao hàng triệu người được ăn xôi?
Tôi thì nghĩ cái chỗ đứng trên bục giảng với cái chỗ đứng “lom khom trên vỉa hè” tự nó không làm nên cao quý hay thấp hèn. Cái “vai diễn” không ý nghĩa gì mà vấn đề là con người đã “diễn thế nào” trong cái vai đó. Giảng viên đại học đứng trên bục giảng mà dạy kém, nhân cách tồi thì làm sao sánh được với cô bán xôi có xôi ngon và bán hàng tử tế, lịch sự.
Và tôi không thể hiểu những người như cô sẽ dạy sinh viên câu khẩu hiệu cửa miệng “Lao động là vinh quang” như thế nào.
Cô LT lại nói: “Các em đừng thấy thầy cô đi ô tô, mặc quần áo đẹp đến trường là cao sang giàu có mà ảo tưởng về việc được ở lại trường làm giảng viên cho sướng. Sự thật lại hoàn toàn ngược lại, muốn làm giảng viên phải thực tâm yêu nghề bởi lương giảng viên của tôi không đủ tiền đổ xăng xe ô tô đi từ nhà đến trường đâu”.
Cô ạ, hiện nay các thầy cô dạy đại học “đi ô tô, mặc quần áo đẹp đến trường” nhiều lắm. Có lúc nào cô nghĩ tiền ấy ở đâu ra? Nếu (nếu thôi nhé, xin các thầy cô và các bạn tôi đang dạy đại học đừng bận tâm) những đồng tiền ấy đến từ những cách không lương thiện thì so với việc bán xôi, ai “giàu mà không sạch, ai “rách mà vẫn thơm”?
Giải pháp cô LT bày cho cô TN là “học cách sống gói gọn với số lương của hai vợ chồng” trong trường hợp này là bất khả thi. Chưa đầy 10 triệu/5 người, mỗi người chưa được 2 triệu/tháng, có lẽ ăn còn chưa đủ, nói gì học hành, chữa bệnh, hiếu hỷ, du lịch,… Chưa kể nếu còn phải thuê nhà hay còn phải nuôi bố mẹ già thì làm sao?
Cô LT chắc cũng biết rằng thuế thu nhập cá nhân của nhà nước quy định hiện nay, phần miễn trừ gia cảnh - tức phần chi phí tối thiểu để sống - đối với người lao động đang chịu thuế là 9 triệu/ tháng còn đối với người ăn theo (người phải nuôi) là 3,6 triệu/tháng. Nghĩa là gia đình cô T.N lẽ ra phải có tối thiểu (9tr x 2) + (3,6tr x 3) = 28,8 tr/tháng. Tổng thu nhập của gia đình cô TN gần 10tr, mới được 1/3 mức tối thiểu! Như thế thì cô TN dù có “khéo ăn” cũng chẳng no, “khéo co” cũng chẳng ấm, cô ạ. Cô đừng đem thứ lý thuyết quá xa rời thực tế để khuyên đồng nghiệp mình như thế.
Cô LT nói “định kiến xã hội nặng nề lắm”, vậy thì chính những người như cô có trách nhiệm hàng đầu xóa bỏ định kiến đó, chứ sao lại hùa thêm vào định kiến sai trái đó?
Lời kết cho cả hai bức thư
Cô Thư Nguyệt và cô Lê Tâm ạ, đã đến lúc chúng ta phải xóa bỏ cái định kiến về “nghề cao quý”. Họ bảo rằng “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao” (Vạn nghề đều thấp hèn, chỉ có đọc sách là cao quý). Đó là thứ triết lý của Nho giáo, đến nay không còn phù hợp. Thế không có bọn “giai hạ phẩm” lấy gì cho bọn “độc thư” ăn và mặc để mà ngồi đọc sách? Và để mà khinh bỉ bọn “giai hạ phẩm”?
Đào Tiến Thi