Tiến sĩ Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết đơn vị vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân (71 tuổi, trú tại Ba Đình, Hà Nội) vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê.

Bệnh nhân mắc đái tháo đường 10 năm, đang điều trị insulin theo phác đồ tiêm 4 mũi/ngày. Chiều 19/12, gia đình có tiệc sinh nhật nên bà đi ăn nhà hàng. Trước khi đi, bệnh nhân tiêm 1 mũi insulin. 

Việc di chuyển vào giờ cao điểm gặp nhiều khó khăn, bà phải chờ 45 phút mới đón được taxi và gặp tắc đường. Khi gần tới nhà hàng, bệnh nhân bất ngờ rơi vào hôn mê, nhanh chóng được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Tại Trung tâm Cấp cứu A9, bác sĩ đo đường huyết của người bệnh chỉ còn 2mmol/L.

Theo bác sĩ Bảy, bệnh nhân tiêm loại thuốc insulin thuộc nhóm tác dụng nhanh, được khuyến cáo dùng trước bữa ăn 5-15 phút. Với trường hợp trên, từ lúc tiêm insulin đến khi rơi vào hôn mê hạ đường huyết là hơn 60 phút, tức là thuốc đã có tác dụng nhưng lại chưa có tinh bột đưa vào cơ thể dẫn đến hạ đường huyết. 

Bác sĩ Bảy khuyến cáo để tránh hạ đường huyết, người bệnh cần nhớ tiêm đúng chỉ dẫn của bác sĩ, với nguyên tắc là chỉ tiêm insulin khi đã thấy đồ ăn đặt trước mặt. 

Tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, các bác sĩ vẫn thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu vì hạ đường huyết cấp do tiêm insulin. Phổ biến nhất là các bệnh nhân đái tháo đường đi khám và đã tiêm insulin từ nhà. Trong quá trình khám chờ lấy máu lâu, chưa được ăn ngay hoặc thời gian di chuyển tới bệnh viện lâu dẫn tới hạ đường huyết.

Để tránh tình trạng này, bác sĩ Bảy khuyến cáo người bệnh cần thay đổi thói quen, mang theo thuốc tiêm khi đi khám bệnh. Nếu đã lấy máu xét nghiệm xong, bác sĩ tư vấn có thể ăn được mới tiêm insulin, không tiêm trước từ nhà.

Hồi sức tích cực   bệnh viện Bạch Mai (9) (1).png
Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phạm Hải.

Dấu hiệu hạ đường huyết

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoàn, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, các triệu chứng của hạ đường huyết đa dạng.

Người bệnh vã mồ hôi, lạnh, mặt tái xanh, đôi khi lại đỏ, run chân tay. Cảm giác đói xuất hiện đột ngột, rất khó chịu, có khi cồn cào, đau cả vùng thượng vị, buồn nôn, hoặc nôn, tiêu chảy có thể phối hợp. 

Các biểu hiện do thiếu glucose của hệ thần kinh như rối loạn thị giác: nhìn đôi, ảo thị, đi lại loạng choạng như một người say rượu, hay quên.

Bệnh nhân kích thích, nhịp tim nhanh, bồn chồn, vã mồ hôi hoặc có tình trạng lú lẫn, đờ đẫn, thậm chí trầm uất với ý định tự sát. Khi hạ đường huyết kéo dài có biểu hiện co giật lan tỏa hoặc khu trú, liệt nửa người hoặc 1 tay, rối loạn cảm giác và hôn mê. 

Khi có biểu hiện hạ đường huyết, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo nên cung cấp 15g đường qua ăn hoặc uống. Các loại nước hoa quả như táo hoặc nho ép khoảng 300ml chứa 15g đường hoặc một bữa ăn nhẹ.

Theo bác sĩ Hoàn, hạ đường huyết rất dễ gặp và có dấu hiệu tiến triển nhanh vì vậy ngoài việc điều trị, người bệnh nên chủ động phòng ngừa, kiểm soát lượng đường trong cơ thể hằng ngày. Các biện pháp cụ thể như:

- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, ăn đủ lượng carbohydrate trước khi tập thể dục và ăn nhẹ trong lúc tập thể dục nếu cần thiết.

- Ăn thêm các bữa phụ ngay khi lượng đường có dấu hiệu xuống thấp hoặc khi các dấu hiệu của bệnh mới xuất hiện.

- Thường xuyên kiểm tra đường huyết và tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ, không tự ý uống thuốc khi không có đơn hoặc ngưng thuốc khi các dấu hiệu bệnh thuyên giảm.

- Luôn có sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, chocolate trong túi xách hoặc trong cặp để phòng khi xảy ra hạ đường máu có luôn để sử dụng.