Em năm nay 23 tuổi, mới lấy chồng được 8 tháng và hiện chưa có con.

Chồng em và em cùng quê nhưng anh sinh ra, lớn lên trong một gia đình khá giả ở thành phố, còn em sinh ra ở nông thôn. Bố mẹ em là giáo viên cấp 1.

Từ nhỏ, em được bố mẹ dạy rằng, phải luôn sống tiết kiệm vì cuộc đời có thăng có trầm. Nếu không có tiền trong người sẽ rất khổ sở.

Em lấy chồng, bố mẹ tặng cho hai vợ chồng 1 cây vàng. Bố mẹ chồng thì cho chúng em căn nhà ở Hà Nội. Vì thế, so với gia đình chồng, em có phần lép vế.

Chồng em đi làm, thu nhập mỗi tháng được bao nhiêu em không biết, cũng không dám hỏi. Chi tiêu trong nhà như ăn uống, điện nước …, em đều phải lấy lương của mình ra. Thỉnh thoảng lắm, anh mới cho em 1, 2 triệu.

{keywords}
 

Tối thứ 6 vừa rồi, tiện có xe của người họ hàng từ quê lên Hà Nội, mẹ em mang gà, vịt, gạo, rau… lên cho vợ chồng em. Mẹ định sáng thứ 7 về luôn. Thế nhưng, chồng em bảo mẹ ở lại chơi thêm, tối thứ 7 anh đi công tác về sẽ đưa mẹ và em đi chơi.

Tối đó, anh chọn một nhà hàng sang. Hai vợ chồng và mẹ vừa ngồi vào bàn thì một nhóm 3 người bạn thời đại học của anh cũng xuất hiện.

Họ chơi với nhau khá thân, nay lại gặp nhau tình cờ nên anh bảo các bạn ngồi chung. Sau đó, anh gọi lẩu và ê hề đồ ăn.

Anh và hội bạn hầu như chỉ uống rượu, ăn vài đồ khô nên khi thanh toán, trên bàn còn rất nhiều thức ăn. Cả nồi lẩu cũng gần như còn nguyên.

Mẹ em tiếc của nên cứ xuýt xoa, bảo đồ ăn gọi ra mà không ai chịu ăn, để phí của.

Sau đó, mẹ hỏi xin nhân viên túi nilon để mang những thức ăn thừa về. Nhân viên nhà hàng mang cho mẹ mấy hộp xốp đựng đồ ăn. Mẹ em lại xin thêm túi để đựng nước lẩu.

Chồng em có vẻ không hài lòng nhưng anh không nói gì mà thanh toán tiền rồi rủ bạn ra một bàn khác ngồi uống trà, mặc kệ mẹ và em gom thức ăn.

Hôm sau, mẹ em về quê. Thấy thức ăn từ nhà hàng mang về vẫn để trong tủ lạnh, anh đay nghiến em đau đớn.

Anh bảo: “Cô mang về thì cố mà ăn cho hết. Không ăn hết thì mang về quê đi. Lần sau đừng có khiến tôi phải mất mặt như thế nữa”.

Anh nói dài, nói nhiều về hành động lấy thức ăn thừa của mẹ và em. Anh còn có ý chê bai hoàn cảnh gia đình em, khiến em rất buồn.

Em nghĩ, đồ ăn thừa để lại nhà hàng, họ bỏ đi cũng phí. Hơn nữa, mình đã trả tiền các món ăn đó thì nó là của mình. Không ăn hết, mình cầm về để mai ăn cũng đỡ tốn một khoản.

Thế nhưng, anh cho rằng, việc lấy đồ ăn thừa ở nhà hàng là hành động kém sang, khiến anh mất mặt trước bạn bè và nhân viên nhà hàng.

Em cãi lại thì anh định đánh em. Anh bảo: “Một người vợ mà không làm cho chồng nở mày nở mặt, lại khiến chồng mất mặt thì tốt nhất là bỏ đi”.

Em rất buồn. Xin hỏi mọi người, hành động của mẹ em (lấy thức ăn thừa ở nhà hàng về) có đáng để chồng em phải đay nghiến như vậy không?

Em xin cảm ơn.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này và tính hoang phí/sĩ diện của một bộ phận người Việt? Hãy gửi cho chúng tôi ý kiến của bạn qua bình luận phía cuối bài hoặc gửi bài viết về email: [email protected]. Những ý kiến/bài viết hay sẽ được biên tập và đăng tải trên mục Đời sống của báo. Trân trọng cảm ơn!

 

Clip người mẹ bán vé số nhặt tôm thừa ở đám cưới về cho con gây tranh cãi

Clip người mẹ bán vé số nhặt tôm thừa ở đám cưới về cho con gây tranh cãi

Rất nhiều người bày tỏ sự xúc động, xót thương người mẹ bán vé số nhặt tôm về cho con, nhưng một số người không nghĩ như vậy.

Độc giả Thanh Mai (Hà Nội)