Các bác sĩ BV Việt Đức vừa tiếp nhận trường hợp hy hữu: cụ ông N.V.Ch. (72 tuổi, ở Nghệ An) bị hóc xương gà sau khi ăn cỗ. 

Đáng nói, mẩu xương này nằm ngang phần ngực đâm gần thủng động mạch chủ quả tim cụ ông.

Bệnh nhân là ông N.V.Ch (72 tuổi, ở Nghệ An) được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng bị hóc dị vật rất nặng.

{keywords}

Bệnh nhân N.V.Ch

Theo chia sẻ của con trai bệnh nhân Ch., trong ngày tết, ông Ch. có đi ăn tết ở nhà thông gia. Vì ông Ch. chưa ăn được gì nhiều nên khi gắp miếng rau ăn (rau xào thịt gà) thì bị hóc ở cổ họng. Sau khi đến viện thì mới biết đó là đoạn xương gà.

“Sau khi bị hóc, bố tôi đã cố đẩy đoạn xương xuống dạ dày nhưng không được, do miếng xương mắc ngang cổ, đau quá không ăn được gì nên bố tôi về nhà. Về đến nhà, bố tôi có uống ngụm nước to và nuốt, lúc này đoạn xương có trôi được xuống dưới 1 chút, nhưng vẫn bị chắn ngang và tình trạng đau càng dữ dội hơn. Quá lo lắng chúng tôi đã đưa ông đến bệnh viện”, con trai ông Ch. chia sẻ.

Tại bệnh viện tỉnh, sau khi chụp chiếu các bác sĩ phát hiện đoạn xương gà hóc và mắc ngang phần ngực với những tổn thương phức tạp, vì thế đã chuyển bệnh nhân ra Bệnh viện Việt Đức để các bác sĩ can thiệp.

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Tất Thành - Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ngay sau khi chụp chiếu, đánh giá lại tổn thương, các bác sĩ phát hiện, bệnh nhân Ch. bị dị vật (xương gà) mắc ngang ở phần ngực, đáng nói là đoạn xương gà này nằm sát cạnh tim. Tiếp tục chụp phim cắt lớp, các bác sĩ thấy được tổn thương do xương gà gây ra nằm cạnh và đâm gần thủng động mạch chủ.

“Đây là trường hợp cấp cứu rất khó, vì xương gà nằm ở vị trí nguy hiểm, nếu vội vàng rút xương gà ra thì sẽ làm ảnh hưởng đến mạch máu lớn của tim và có thể sẽ gây chết người. Nhưng ngược lại, nếu không xử lý kịp thời, vết thương sẽ bị nhiễm trùng sau đó sẽ hoại tử đến mạch máu lớn, cũng sẽ dẫn đến tử vong”, BS Thành cho biết.

Theo bác sĩ Thành, trong trường hợp này để khi rút xương ra không bị chảy máu, các bác sĩ sẽ phải đặt một dụng cụ (đặt stent) trong mạch máu. BS Thành cho biết, việc đặt stent là nhằm đề phòng khi rút miếng xương gà ra mạch máu có thủng, thì chính stent này sẽ bịt kín lỗ thủng đó và không gây chảy máu.

Tuy nhiên, việc thực hiện kỹ thuật này có chi phí rất lớn, nếu muốn thực hiện thì bệnh nhân sẽ phải mất chi phí vài trăm triệu đồng để mua dụng cụ. Đây cũng chính là nỗi lo lớn nhất của gia đình bệnh nhân Ch. tính đến thời điểm hiện tại.

{keywords}

Dị vật là chiếc xương gà ở trong vùng tim bệnh nhân

“Giờ bác sĩ thông báo nếu thực hiện đặt dụng cụ phải bỏ ra chi phí khoảng hơn 400 triệu đồng. Nói thật với số tiền lớn như vậy, gia đình tôi chưa biết phải xoay xở như thế nào, vì không chỉ gia đình tôi mà cả xã tôi cũng là xã nghèo. Bởi vậy, chạy đi vay mượn số tiền lớn như vậy không phải là chuyện một sớm, một chiều”, con trai ông Ch. lo lắng.

Từ trường hợp trên, BS Thành khuyến cáo, xương gà thông thường rất cứng và dễ hóc, đặc biệt với đặc tính sắc nhọn nên dễ gây tổn thương đường thở, bởi vậy mọi người cần hết sức chú ý. 

“Thực tế, những trường hợp hóc dị vật phải cấp cứu thì rất nhiều, nhưng hóc xương gà bị tổn thương như bệnh nhân Ch. thì rất hy hữu và cần thiết phải cảnh báo tới cộng đồng, nhất là mùa lễ hội tới đây”, BS Thành cho hay.

Theo SK&ĐS