Bảo hộ lao động hay còn gọi là HSE (Health, Safety & Environment: An toàn - Sức khỏe - Môi trường), là một ngành nghề còn mới tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những nghề khan hiếm nguồn nhân lực trên thị trường lao động hiện nay.
Ngày 08/01/2022, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của UBND TP.HCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM cho biết số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước trong năm 2021 là 116.839; riêng TP.HCM đã có 32.344 doanh nghiệp, tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp “chào đời”.
Trong đó, việc đảm bảo các yếu tố an toàn trong sản xuất, sử dụng lao động là điều quan trọng, nếu doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường vươn ra quốc tế. Theo điều 36, Nghị định 39/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động: cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 300 đến dưới 1.000 người lao động, phải bố trí ít nhất 2 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng sử dụng trên 1.000 người lao động phải thành lập phòng an toàn, vệ sinh lao động hoặc bố trí ít nhất 03 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách.
Nhu cầu về kỹ sư bảo hộ lao động hay người làm công tác an toàn - sức khỏe - môi trường (HSE) nhằm tại các doanh nghiệp có xu hướng tăng cao. Nắm bắt nhu cầu thời đại, Trường Đại học Văn Lang xây dựng chương trình học ngành Bảo hộ Lao động (BHLĐ) với chuyên ngành “An toàn, sức khỏe nghề nghiệp”. Chuyên ngành này sẽ cung cấp cho người học kiến thức về công tác BHLĐ ở Việt Nam và thế giới. Cụ thể đó là: kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, môi trường con người; các quy định của luật và văn bản dưới luật; các giải pháp tối ưu trong kỹ thuật an toàn; các chương trình huấn luyện về an toàn, sức khỏe nghề nghiệp cho các nhóm đối tượng… Tất cả hướng đến mục tiêu đào tạo người học nắm vững chuyên môn, trở thành nhân sự HSE chất lượng cao, giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác an toàn, sức khỏe nghề nghiệp tại các tổ chức.
Ngoài các kiến thức học thuật, nghiên cứu, thực hành theo định hướng ứng dụng, chương trình học ngành HSE của Trường Đại học Văn Lang còn bao gồm đào tạo các kỹ năng như: công nghệ thông tin, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm trong môi trường công việc thực tế.
Bên cạnh đó, nhằm giúp sinh viên đáp ứng các nhu cầu công việc liên quan đến công tác BHLĐ ở các tập đoàn đa quốc gia, Trường Đại học Văn Lang cũng thường xuyên hợp tác cùng doanh nghiệp, xây dựng chương trình liên kết, hợp tác quốc tế; tạo cơ hội cho người học sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục quá trình đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu tại các trường đại học, viện nghiên cứu hoặc trở thành kỹ sư bảo hộ lao động tại các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế.
Để xét tuyển ngành Bảo hộ Lao động tại Trường Đại học Văn Lang, thí sinh có thể đăng ký bằng điểm học bạ THPT. Đợt nhận hồ sơ gần nhất của trường sẽ kết thúc vào ngày 31/05/2022. Tổ hợp xét tuyển: A00: Toán - Lý - Hóa; A01: Toán - Lý - Anh; A02: Toán - Vật lí - Sinh học; B00: Toán - Hóa học - Sinh học. Thời gian đào tạo: 4 năm Văn bằng: Kỹ sư Bảo hộ Lao động |
Doãn Phong