Sau những phản ánh của tân sinh viên về việc bị cho ăn cơm, canh thừa dồn lại từ người ăn trước trong thời gian học giáo dục quốc phòng, thậm chí trong thức ăn có cả dị vật như gián, sáng nay (8/10), Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Bộ GD-ĐT) và cơ quan y tế địa phương đã xuống cơ sở này để kiểm tra, rà soát hoạt động cung cấp suất ăn.
Trong thời gian chờ đơn vị cung cấp suất ăn mới, nhà ăn A15 được yêu cầu tạm dừng hoạt động. Bữa ăn của tân sinh viên sẽ được phục vụ tại nhà ăn cán bộ trường với sức chứa khoảng 200 người.
PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay bất ngờ khi xem được những hình ảnh bữa ăn được ghi lại. “Hành động dồn cơm, canh thừa để tiếp tục chia cho sinh viên là không thể chấp nhận được”, ông nói.
Sau khi nắm bắt được thông tin, với vai trò lãnh đạo, Ban giám đốc nhận thức được trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra điều này. ĐH Bách khoa Hà Nội ngay lập tức dừng hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn hiện tại cho tân sinh viên đang học giáo dục quốc phòng an ninh; giao các đơn vị liên quan hàng ngày chỉ đạo kiểm tra, giám sát số lượng và chất lượng thực phẩm sử dụng theo tiêu chuẩn quy định và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cũng ngay trong đêm 7/10, nhà trường đã tới gặp các sinh viên đang học giáo dục quốc phòng an ninh để lắng nghe ý kiến góp ý, tâm tư, nguyện vọng.
Theo giải trình của đơn vị cung cấp suất ăn, dị vật có trong đồ ăn như gián là đúng sự thật. “Bếp ăn giải thích do sơ suất không để ý gián chui vào trong máy thái thịt. Khi có phản ánh của sinh viên, bếp ăn đã xử lý ngay lập tức”, ông Chính cho hay.
Cũng trong hôm nay, các thầy cô dạy giáo dục quốc phòng an ninh sẽ trực tiếp ăn sáng và trưa cùng sinh viên. Các suất ăn được chia theo khẩu phần, đầy đủ định lượng. Thay vì xúc cơm vào các tô lớn, hiện tại, cơm được đựng trong các cặp lồng giữ ấm để sinh viên lấy theo nhu cầu, tránh gây lãng phí.
PGS Huỳnh Đăng Chính cho hay, năm ngoái, Ban Giám đốc cũng nhận được phản ánh của sinh viên kiến nghị về việc thức ăn không đủ. Chính ông là người trực tiếp xuống kiểm tra đột xuất và ăn thử. Việc này kéo dài 1 tuần và được đánh giá “không thấy có vấn đề gì”.
Sau đó, trường không nhận thêm được phản hồi nào của sinh viên qua kênh chính thống. Ngoài ra, định kỳ hàng năm Trung tâm y tế quận cũng đến kiểm tra nhưng chưa phát hiện điều gì.
“Ở góc độ nào đó, nhà trường phần nào tin tưởng với kết quả này, vì thế cảm thấy bất ngờ khi xem được video ghi lại”, ông Chính nói.
Sau vụ việc, ông Chính cho biết nhà trường đã dán các QR code tại các khu sinh viên để trực tiếp phản ánh về các vấn đề trong trường. Thông qua cách này, nhà trường sẽ chủ động nắm bắt, tránh việc xảy ra chuyện nhưng trường không hay.
“Sự cố của ĐH Bách khoa Hà Nội là lời cảnh báo cho các cơ sở giáo dục khác làm tốt hơn những việc có thể kiểm soát từ sớm. Sau sự việc, ĐH Bách khoa Hà Nội nhận thấy mình có trách nhiệm lớn nhất. Đây cũng là sự việc để chúng tôi nhìn nhận lại và có trách nhiệm hơn với mọi công việc liên quan đến nhân sự, con người bên cạnh công tác chuyên môn”, ông Chính nói.