Đây là khuyến nghị của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại Đại hội Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhiệm kỳ VI (2020-2025) và tổng kết năm 2020 diễn ra ngày 12/12/2020 tại Hà Nội.

Tập trung tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách còn bất cập

Tại Đại hội, Phó Chủ tịch VITAS Trương Văn Cẩm thông tin, xuất khẩu dệt may năm 2019 đạt 38,9 tỷ USD, ước năm 2020 sẽ đạt hơn 35,2 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu của ngành sẽ đạt 55 tỷ USD; trong đó, các sản phẩm chính bao gồm xơ, sợi các loại đạt 4.000 tấn, vải đạt 3.500 triệu m2, sản phẩm may hơn 8.500 sản phẩm.

Giá trị thặng dư thương mại đến năm 2025 phấn đấu đạt 33 tỷ USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 11,6%.

Để đạt được mục tiêu này, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch VITAS cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025, Hiệp hội sẽ tập trung tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách còn bất cập với Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt các vấn đề về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành...

{keywords}
Dệt may Việt Nam vượt khó tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Ảnh minh họa

Ngoài ra, Hiệp hội sẽ làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên nhằm hình thành chuỗi cung ứng dệt may đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do; kết nối các trường, viện trong nước với doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Vũ Đức Giang cũng kiến nghị, Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Trong đó, Nhà nước quy hoạch và xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp dệt may lớn, có xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án dệt nhuộm; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến.

Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và giảm chi phí cho doanh nghiệp; Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bỏ thuế VAT cho các doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để may xuất khẩu (giống như vải nhập khẩu để gia công xuất khẩu) để tạo điều kiện hình thành chuỗi liên kết…

Cải thiện vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, ngành dệt may đã rất thành công trong giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt trong việc phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất năm 2020.

Sự thành công này có dấu ấn của Hiệp hội VITAS, khi có nhiều kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành báo cáo tác động của dịch bệnh và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc về xuất khẩu thời trang, liên kết các doanh nghiệp…

Trong giai đoạn vừa qua, ngành dệt may Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết như FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EAEU, CPTPP, EVFTA…

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 28,1 tỷ USD, nhưng đến năm 2019 đã đạt 38,9 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 9,55%. Đặc biệt, giá trị xuất siêu có sự tăng trưởng: năm 2016 đạt 11,1 tỷ USD, năm 2019 đạt 16,9 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam từ chỗ năm 2016 đứng thứ tư thế giới, sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, thì đến năm 2019 đã vượt lên trên Ấn Độ, đứng thứ ba thế giới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công Thương đang tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp; và sẽ sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong năm 2021 tới.

Để ngành dệt may Việt Nam đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD, đảm bảo việc làm cho 3 triệu lao động vào năm 2025, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, VITAS và ngành dệt may cần tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, nhất là Hiệp định RCEP vừa được ký kết mới đây, có giải pháp ứng phó kịp thời với các tác động của các xung đột thương mại đang diễn ra, đặc biệt là xung đột thương mại Trung -Mỹ.

Ngoài ra, VITAS cần làm tốt hơn nữa vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau để hình thành chuỗi cung ứng; kết nối doanh nghiệp với các tổ chức quốc tế, các khách hàng để nâng cao vị trí dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu; giữa các doanh nghiệp với Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước để kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, tháo gỡ những rào cản cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tập trung giải quyết những khâu còn yếu như thiết kế và phát triển thương hiệu để tiến tới xuất khẩu sản phẩm bằng thương hiệu của chính mình; chuyển mạnh từ gia công sang các hình thức có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao hơn- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Hoài Bắc - Tuệ Minh