Thông qua việc hợp tác giữa Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Amazon Global Selling, các doanh nghiệp Việt Nam được kỳ vọng sẽ có cơ hội xây dựng được thương hiệu. Điều này được đặt trong bối cảnh hiện nay, dệt may Việt Nam dù đứng nhóm đầu 3 các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng phần lớn đều gia công và mang thương hiệu nước ngoài.

{keywords}
Sản xuất tại Công ty May Sông Hồng (ảnh: Băng Dương)

Nhiều chuyên gia nhận định, bán hàng qua kênh thương mại điện tử của Amazon tuy số lượng ít nhưng lại là cơ hội tốt để xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, khi chất lượng sản phẩm thời trang của dệt may Việt Nam được các nhà nhập khẩu đánh giá khá, giá cả phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng ở nhiều thị trường.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu bán hàng thành công qua kênh thương mại điện tử toàn cầu, nút thắt về may gia công có thể được cải thiện.

Trong khi đó, đại diện Amazon nhận định với việc bán hàng trực tiếp toàn cầu, mục tiêu trong vòng 9 năm tới, Việt Nam có 30 thương hiệu dệt may ngang tầm thế giới là có thể thực hiện được. Tuy vậy, thách thức với các doanh nghiệp trong ngành là làm sao có thể chuyển cách bán hàng quen thuộc từ B2B sang B2C.

Theo bộ Công Thương, trong quý 1/2021, xuất khẩu dệt may đã có những bước hồi phục, đạt 7,18 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ, đây là mức tăng không cao nhưng được kỳ vọng mở ra những tín hiệu tích cực cho giai đoạn tiếp theo.

Dự báo quý II, ngành dệt may sẽ tiếp tục phục hồi. Hiện, nhiều doanh nghiệp đã có được đơn hàng đến tháng 7, tháng 8. Tuy nhiên, nỗi lo giai đoạn này chưa phải là ký đơn hàng mà phải giữ được đơn hàng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp.

Thanh Thúy