- Vỉa hè đường phố hanh thông, người dân có đường đi bộ; bổ nhiệm cán bộ đúng cách, sẽ tạo cơ hội, mở đường cho bậc hiền tài. Bổ nhiệm sai người chẳng khác nào ngăn chặn đường thăng tiến của người tài, đức.
Chiến dịch dẹp vỉa hè cho người đi bộ mà TP.HCM, Hà Nội tiên phong đang được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, dù vẫn có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm.
Vẫn còn những câu hỏi bị bỏ ngỏ: Vì sao vỉa hè bị lấn chiếm một cách phổ biến? Ai đã dung túng? Những câu hỏi đó chỉ có chính quyền mới chính danh trả lời.
Chính quyền là ai, nếu không phải là tập hợp những con người bằng da, bằng thịt, được nhân dân trao quyền, nuôi dưỡng bằng tiền thuế.
Nói đến chính quyền, đầu tiên phải là những chức vụ lãnh đạo, quản lý, điều hành trong bộ máy, là những chức vụ rường cột, đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Sẽ là khập khiễng khi so sánh vỉa hè và bổ nhiệm cán bộ. Đó là hai hiện tượng khác nhau, nhưng có điểm chung ở mối quan tâm của nhân dân.
h |
“Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, tam quan hệ, tứ đồ đệ” đã trở thành câu vè khi nói đến vấn đề bổ nhiệm |
Nếu như vỉa hè là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ thì việc bổ nhiệm cán bộ lại chính là việc mở ra cơ hội thăng tiến cho những chức vụ rường cột của chính quyền.
Vỉa hè hanh thông, thì người dân có đường đi bộ; bổ nhiệm cán bộ đúng cách, sẽ tạo cơ hội, mở đường cho bậc hiền tài. Bổ nhiệm sai người chẳng khác nào ngăn chặn con đường thăng tiến của những người tài, đức, hết lòng vì nước, vì dân. Đó chính là một loại “vỉa hè" trong công tác cán bộ.
Thời gian qua, có “một bộ phận không nhỏ” kẻ nắm giữ quyền lực của nhân dân, bằng cách trực tiếp hay gián tiếp bổ nhiệm vợ, chồng, con, em, cháu chắt, tình nhân, đệ tử, họ hàng, đồng hương, hoặc bổ nhiệm vì tiền…
“Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, tam quan hệ, tứ đồ đệ” và “trật tự ưu tiên” của nó đã trở thành câu vè khi nói đến vấn đề bổ nhiệm, khiến nhân dân vô cùng phẫn nộ.
Nếu dẹp vỉa hè cho người đi bộ trở thành một chiến dịch hợp lòng dân, đã và đang được nhân dân đồng tình, ủng hộ, thì một chiến dịch "dọn dẹp vỉa hè trong công tác cán bộ” chắc chắn càng hợp lòng dân và sẽ được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao.
“Đấu thầu” ghế
Chưa bao giờ trong lịch sử cầm quyền, Đảng phải ra một nghị quyết về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, mà ở đó đã chỉ rõ 27 biểu hiện cụ thể của suy thoái trong cán bộ, đảng viên.
Nghị quyết TƯ 4, khóa 12 có nêu: “Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ”; “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.
Có người đã rất ngậm ngùi khi cho rằng, bây giờ người ta không chỉ “chạy” mà còn “đấu thầu”…ghế!
Tại hội nghị cán bộ toàn quốc về học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu khắc phục tình trạng nghị quyết thì đúng, thì hay, nhưng chậm đi vào cuộc sống; phải khắc phục tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít.
Gần đây, căn cứ kết quả kiểm tra tình trạng “cả họ làm quan” của Bộ Nội vụ ở nhiều tỉnh, thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xử lý kỷ luật đối với cá nhân vi phạm pháp luật trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm.
Người đứng đầu Đảng, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm dẹp tệ nạn này. Vì vậy, ngay lúc này, mở một chiến dịch lớn để dẹp bỏ triệt để được tệ nạn này, thực sự sẽ là đại hồng phúc cho dân tộc.
Sai phải xử hình sự
Để mở một chiến dịch “dẹp vỉa hè" trong công tác cán bộ, mở đường cho bậc hiền tài, trước hết phải thực hiện nghiêm minh Đảng quy và luật pháp. Không thể lấy quy phạm đạo đức để áp dụng cho các sai phạm trong quan hệ pháp luật, và ngược lại.
Đã đến lúc phải điều tra, làm rõ những hành vi cố ý làm trái trong việc bổ nhiệm cán bộ để truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật hình sự. Vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ sẽ càng dẫn đến hậu quả khôn lường, phá nát chế độ, hủy hoại tài nguyên - môi trường của đất nước, sa sút niềm tin của nhân dân.
Phải coi hành vi ấy là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội và là khách thể quan trọng được Nhà nước bảo vệ.
Cùng với đó, phải rà soát các kẽ hở của pháp luật, phân loại, đánh giá cán bộ. Từ đó, cần có cơ chế khách quan để lựa chọn cán bộ với các hình thức chủ yếu là thông qua thi tuyển, tiến cử và tập sự lãnh đạo, quản lý, điều hành, gắn liền với chế độ trách nhiệm.
Đồng thời phải xây dựng cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài bằng một đạo luật, đó là luật Thu hút và trọng dụng nhân tài. Đề cao trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu trong việc bổ nhiệm cán bộ; có cơ chế đặc biệt để bảo vệ, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi trù dập, hãm hại hiền tài; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những kẻ bất tài, vô hạnh.
Theo đó, nếu ở đâu có xảy ra vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ, thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở đó phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý theo pháp luật.
Mở một chiến dịch "dẹp vỉa hè" thực sự là một cuộc cải biến sâu sắc, rất hợp lòng dân.
Nguyên Bộ trưởng và sếp tập đoàn tranh luận thuật ‘trói’ người tài
Nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp và Chủ tịch tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn trò chuyện về câu chuyện dùng người.
Dùng người tài: Hạt giống tốt mà gieo nóc nhà không mọc được
Một hạt giống tốt nếu không gieo xuống ruộng, mà gieo lên nóc nhà, làm sao cây có thể mọc được - ĐBQH Lê Thanh Vân chia sẻ.
Hàn Quốc: Chọn người tài làm việc nước
Hàn Quốc vào đầu thập niên 1960 là nước kém phát triển nhưng sau đó vượt qua giai đoạn phát triển ban đầu và thành công trong giai đoạn phát triển bền vững, trở thành nước tiên tiến trong thời gian rất ngắn.
Cả họ làm quan: Lỗ thủng ở đâu?
Với quy trình, tiêu chuẩn, quy hoạch chặt chẽ, làm sao có kẽ hở, chứ đừng nói là lỗ thủng trong công tác cán bộ, làm sao đưa con cái lên làm quan?
Lê Thanh Vân (đại biểu Quốc hội khóa 13, 14)