Điện ảnh từ khi ra đời đã sớm chứng tỏ được sức ảnh hưởng mạnh mẽ của mình với xã hội. Gây dựng một lối sống, tạo nên làn sóng thời trang, đấu tranh với những điều bất công hay chắp cánh những khát vọng cho con người, điện ảnh có tất cả. Dù theo trường phái nào, một bộ phim cũng cần có một kịch bản hoặc một cốt truyện. Nền điện ảnh thế giới suốt hơn một thế kỷ qua sở dĩ chinh phục đông đảo khán giả xuyên biên giới là nhờ sức hấp dẫn của những kịch bản hay, những câu thoại để đời và những tình huống đặc sắc.
Hai cuốn sách "Bức thư của người đàn bà không quen" và "Casablanca" |
Bộ sách “Truyện và kịch bản phim nổi tiếng thế giới” của Nhà xuất bản Trẻ vừa ra mắt với truyện gốc hoặc kịch bản của những bộ phim tình cảm nổi tiếng của thế giới, từ phim kinh điển đến phim hiện đại đã khẳng định được vị trí trong lịch sử màn bạc. Loạt sách này cung cấp cho người đọc những tác phẩm văn học gốc hoặc kịch bản văn học có giá trị để những người yêu điện ảnh khám phá kỹ hơn về công việc xây dựng nội dung phim, vì ngoài truyện còn có những bài phê bình giá trị của các nhà nghiên cứu thế giới.
Người đọc thấy thích thú với không khí màn bạc của một thời
hoàng kim, với nhiều hình ảnh đẹp và thông tin về bộ phim. Nói đến màn bạc là
nói đến những vẻ đẹp hoa lệ, sang trọng của các diễn viên tài năng, những minh
tinh cùng những sự biến hóa kỳ tài của các đạo diễn bậc thầy. Đây là những tác
phẩm có tình huống và lời thoại đặc sắc và cũng chưa mấy phổ biến ở Việt Nam.
Cảm xúc và sự kết nối với tác phẩm điện ảnh còn gia tăng thêm khi sách được minh
họa bằng những hình ảnh từ phim.
Những kịch bản và truyện gốc là xuất phát điểm quan trọng của các tác phẩm điện
ảnh, nhưng cũng như nhà văn Umberto Eco nói “Một bộ phim được sùng bái phải cho
thấy một số phẩm chất văn bản, nghĩa là, ngoài sự kiểm soát có ý thức của người
sáng tạo của nó, nó sẽ trở thành một loại giáo trình dạng văn bản, một ví dụ
sống của cho một văn bản sống”, chúng đã đứng được độc lập, trở thành một hình
thức văn chương riêng, cung cấp cho chúng ta một không gian tư duy mới, một cách
giải mã phim ảnh mới.
Loạt sách “Truyện và kịch bản phim nổi tiếng thế giới” như những kỷ niệm về những thời khắc hạnh phúc, lãng mạn và bay bổng, những thiên đường điện ảnh may mắn có được giữa cuộc đời này.
Phim kinh điển vượt thời gian cùng văn chương mỹ lệ
"Bức thư của người đàn bà không quen" (tác giả Stefan Zweig) gồm 2 truyện vừa "Bức thư của người đàn bà không quen" và "24 giờ trong đời một người đàn bà", đều đã được dựng thành phim. Bên cạnh nguyên tác văn học, cuốn sách còn cung cấp thông tin và hình ảnh đẹp về các bộ phim làm theo hai câu chuyện đầy bi kịch về tình yêu đơn phương không được đền đáp của những người phụ nữ.
Bìa cuốn "Kỳ nghỉ hè ở Roma" |
Bức thư của người đàn bà không quen được viết dưới dạng một
lá thư của một người phụ nữ gửi cho nhà văn R., người mà cô say mê suốt cả cuộc
đời. Bức thư được gửi đến cũng là bức thư tuyệt mệnh của cô, vì thế chất chứa
nỗi đau của một người đã yêu đơn phương. "24 giờ trong đời một người đàn bà"
cũng là hồi ức của một người phụ nữ lớn tuổi kể về mối quan hệ tình cờ và kỳ dị
với một chàng trai mê cờ bạc.
Những bộ phim làm theo truyện đều nổi tiếng với các ngôi sao kinh điển. Bộ phim
“Bức thư của người đàn bà không quen” làm năm 1948 được đánh giá là một trong
những bộ phim tâm lý hay nhất của Hollywood, còn "24 giờ trong đời một người đàn
bà" đã lên màn bạc đến 7 lần.
Cuốn "Kỳ nghỉ hè ở Roma" (tác giả Odette Ferry) tái hiện lại quãng thời gian
ngắn ngủi hạnh phúc của Ann, một nàng công chúa châu Âu ở thành Roma. Chuyến
phiêu lưu phá rào của nàng công chúa đã nảy nở mối tình với một nhà báo Mỹ dẫn
dắt người đọc qua những ngả đường thành phố vĩnh cửu La Mã này.
Sách kèm theo những hình ảnh đẹp và thông tin về bộ phim đã đi vào huyền thoại
với hai diễn viên Audrey Hepburn và Gregory Peck. Bộ phim đã được xếp hạng số 1
trong 100 phim tình cảm lãng mạn của điện ảnh Mỹ nhờ diễn xuất tuyệt vời và kịch
bản hấp dẫn sinh động lạ thường. Cuốn sách mang lại không khí của một thời hoàng
kim của điện ảnh kinh điển Hollywood và thành phố Roma đẹp tráng lệ thần tiên.
"Casablanca" (tác giả Howard Koch) bao gồm kịch bản điện ảnh và 25 bài phê bình,
phân tích giá trị nghệ thuật của nó cùng nhiều hình ảnh là món quà hấp dẫn khán
giả yêu phim và độc giả yêu chất văn chương mỹ lệ của một bộ phim kinh điển. Bộ
phim "Casablanca" sản xuất năm 1942 về chủ đề tình yêu tay ba trong chiến tranh
ở một vùng đất xa lạ đã trở thành kinh điển và là một trong những bộ phim được
xem nhiều nhất của nhân loại.
Bộ phim trở thành một đối tượng nghệ thuật được nghiên cứu sâu sắc và kỹ càng,
cho thấy tài năng và sự nhạy cảm của người nghệ sĩ đã khiến cho một dự án điện
ảnh có phần lắp ghép vội vã và chưa hoàn chỉnh đến tận lúc quay trở thành một
tác phẩm có sức hấp dẫn vượt thời đại. Dù thời gian trôi đi (cũng chính là tên
bài hát trong phim đã trở thành bài hát vượt thời gian – "As time goes by"),
nhưng nhiều vấn đề đặt ra trong đó vẫn là những câu hỏi đối với nhân loại hiện
nay.
Long Hà