Tham dự buổi lễ có nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Vua Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh năm 670, sinh ra và lớn lên tại làng Ngọc Trừng, Hoan Châu, nay thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An. Năm 713, ông phất cờ khởi nghĩa ở Hoan Châu.
Để hiệu triệu nhân dân, Mai Thúc Loan lên ngôi vua, đóng đô ở Vạn An. Từ Hoan Châu, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng ra nhiều nơi, đồng thời có sự liên kết với các nước trong khu vực.
Nghĩa quân đã chiếm được thành Tống Bình, giải phóng 1 vùng rộng lớn và giữ vừng nền độc lập trong 10 năm (713 – 722).
Năm 722, trong cuộc quyết chiến bảo vệ kinh đô Vạn An, Vua Mai đã anh dũng hy sinh dưới chân núi Đụn (thuộc xã Vân Diên, huyện Nam Đàn).
Sau khi vua Mai băng hà, con trai thứ 3 là Mai Thúc Huy (tức Mai Thiếu Đế) lên kế vị và tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.
Tưởng nhớ công lao Vua Mai, nhân dân đã xây lăng mộ và lập miếu thờ. Trải qua hơn 13 thế kỷ tồn tại, lăng mộ của ông luôn được nhân dân giữ gìn chu đáo.
Hàng năm, tại di tích diễn ra 2 kỳ lễ trọng là lễ hội Vua Mai từ ngày 13 – 16/1 (âm lịch) và lễ giỗ Vua Mai ngày 16/9 (âm lịch).
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, cuộc đời, sự nghiệp của Vua Mai Hắc Đế khởi nguồn và gắn bó chặt chẽ với mảnh đất Nam Đàn mà từ lâu được biết đến là “trùng lai danh thắng địa, cổ lai đa hào kiệt”, nơi những trầm tích văn hóa được tạo dựng và kết tinh qua chiều dài lịch sử hàng nghìn năm.
“Kế thừa truyền thống, dựng nước và giữ nước của cha ông, mảnh đất Hoan Châu xưa và Nghệ An hôm nay đã có nhiều thay đổi lớn lao. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát thấp, đến nay quy mô nền kinh tế của tỉnh đứng thứ 10 cả nước”, ông Trung chia sẻ.
Phát biểu tại buổi lễ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng đền thờ Vua Mai Hắc Đế là di tích quốc gia đặc biệt không chỉ là sự vinh danh, tri ân công lao của Vua Mai và những bậc tiền nhân có công với dân, với nước mà còn là sự khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa đang được bảo tồn. Đồng thời, xác lập cơ sở pháp lý cao hơn cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích trong tương lai.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, gắn với di tích đền thờ Vua Mai, lễ hội hàng năm là hoạt động mang đậm ý nghĩa, ôn lại truyền thống cao đẹp với đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, vừa là bài học giáo dục sinh động lòng yêu quê hương đất nước và đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.