Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất khu vực Nam bộ, chiếm hơn 30% dân số. Toàn tỉnh hiện có 50 di sản văn hóa được xếp hạng và công nhận; trong đó, có 45 di sản vật thể (di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh) và 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong đó, nhạc ngũ âm và biểu diễn Rô Băm là 2 trong các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.
Nhạc ngũ âm (Phleang-pinh-peat)
Phleang-pinh-peat (nhạc ngũ âm) là một trong những loại hình âm nhạc hòa tấu không thể thiếu trong lễ hội và nghi lễ tôn giáo của đồng bào Khmer như: Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống, Tết Chôl Chnăm Thmây, Sene Đôn Ta, Kathina (Dâng y), lễ cầu an…
(Ảnh: Báo Sóc Trăng) |
Dàn nhạc ngũ âm của người Khmer có từ rất lâu đời. Theo quy định cổ truyền, dàn nhạc chỉ được sử dụng trong các ngày đại lễ tại chùa. Tuy vậy, do nhu cầu của cuộc sống xã hội, ngày nay, nhạc ngũ âm đã được mở rộng phạm vi hoạt động, xuất hiện biểu diễn trong các cuộc liên hoan mừng công và trình diễn trong các ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào Khmer.
Ở Sóc Trăng, nhạc ngũ âm thường được tấu diễn trong các lễ hội truyền thống của người Khmer, là “món ăn tinh thần” của người dân địa phương và khách du lịch. Hiện nay, nhiều ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng vẫn lưu giữ và sinh hoạt thường xuyên với hàng chục đội nhạc ngũ âm.
Nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ, được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau để tạo nên 5 âm sắc riêng biệt như: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Mỗi bộ sẽ có 1, 2 hoặc 3 loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc ngũ âm truyền thống, gồm 9 loại: Kèn Sro-lay (bộ hơi), Rô-neat-ek, Rô-neat-thung (bộ mộc), Rô-neat-đek (bộ sắt), Kuông-vông-tuôch, Kuông-vông -thum, Chhưng (bộ đồng), trống Sam-phô, trống Skô-thum (bộ da). Trong dàn ngũ âm, nhạc cụ chính là chiếc Rô-neat-ek với tiếng âm thanh giòn và luôn đóng vai trò giữ, bắt giai điệu chính.
Cuối năm 2019, nghệ thuật trình diễn dân gian “Nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng” đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Sơn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết, để bảo tồn nét văn hóa độc đáo, Sở tổ chức định kỳ Liên hoan nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer, với sự tham gia của nhạc công đến từ 11 đơn vị huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; tích cực giới thiệu thông qua chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật, các phương tiện truyền thông, các cuộc liên hoan văn hóa nghệ thuật dân tộc…
Nghệ thuật Rô Băm
Sân khấu Rô Băm có từ lâu đời. Rô Băm còn có tên là Rom Rô Băm, “hát rằm” hay hát “riêm kê”. Rô Băm còn là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đầu tiên của người Khmer vùng ĐBSL, là nền tảng cho các loại hình nghệ thuật khác của người Khmer ra đời và phát triển, điển hình là nghệ thuật sân khấu Dù Kê.
Loại hình nghệ thuật này thu hút khán giả với những chiếc mặt nạ của các diễn viên. Một số mặt nạ được sử dụng trong các vở diễn như: mặt nạ chằn, mặt nạ khỉ Hanuman; mặt nạ hoàng tử, mặt nạ công chúa… Nghệ thuật sân khấu Rô Băm gắn bó với đời sống cộng đồng, phản ánh hiện thực cuộc sống xã hội của người Khmer đương thời. Nội dung của vở diễn thường đặc tả lại các tích xưa về tiên, Phật, vua, chúa, hoàng tử, công chúa; chằn, khỉ, chim đại bàng… Ở đó, có 2 thế lực thiện - ác đối đầu nhau, đến cuối sự thiện lương chiến thắng cái ác. Sân khấu Rô Băm được nhiều người yêu thích bởi nét đặc sắc ẩn chứa qua các điệu múa và những chiếc mặt nạ.
Năm 2019, nghệ thuật Rô Băm của người Khmer ở Sóc Trăng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” (theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019). Đến Sóc Trăng, du khách có thể thưởng thức nghệ thuật Rô Băm ở các sự kiện văn hóa, lễ hội, gian hàng văn hóa được tổ chức hàng năm.
Tại Sóc Trăng, hiện nay chỉ còn duy nhất đoàn Rô Băm Bưng Chông, ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề còn hoạt động. Đoàn nghệ thuật Robam Khmer Resmay Bưng Chông do bà Lâm Thị Hương là trưởng đoàn, kiêm diễn viên chính. Đoàn được thành lập từ năm 1933 và đã truyền thừa đến đời thứ 6.
Năm 2020, UBND Sóc Trăng đã công nhận nghệ thuật Rô Băm của doanh nghiệp tư nhân Đoàn nghệ thuật Robam Khmer Resmay Bưng Chông (ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề) là sản phẩm thuộc bộ sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2021, tỉnh Sóc Trăng đã tạm dừng nhiều hoạt động thể thao, lễ hội truyền thống, du lịch nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Những loại hình nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Khmer như: nhạc ngũ âm, trình diễn Rô Băm, nghệ thuật múa rom vong, dù kê… chưa có nhiều cơ hội biểu diễn trực tiếp để người dân, khách du lịch thưởng thức. Trước tình hình này, tỉnh Sóc Trăng thường xuyên đăng tải các clip biểu diễn nghệ thuật truyền thống lên kênh YouTube của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh, là “món ăn tinh thần” cho người dân trong đại dịch. |
T.H