Tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gate Way - AAG lại gặp sự cố làm mất toàn bộ băng thông Internet quốc tế từ Việt Nam đi Hong Kong, Singapore, Mỹ của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến cáp này. Lần gặp sự cố đầu tiên trong năm 2017 của tuyến cáp AAG, nguyên nhân được xác định là do rò nguồn điện ở khu vực thuộc vùng biển Vũng Tàu (Việt Nam).
Tiếp đó, ngày 10/1/2017, đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển AAG đã cập nhật thông tin mới cho các ISP tại Việt Nam về dự kiến sơ bộ thời điểm khắc phục sự cố. Theo đó, vị trí lỗi cáp AAG được xác định cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 98 km và dự kiến khoảng ngày 27/1/2017 tàu sửa cáp sẽ đến vị trí lỗi.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất về kế hoạch khắc phục sự cố xảy ra ngày 8/1 với tuyến cáp quang biển quốc tế AAG, tàu sửa chữa cáp dự kiến sẽ đến vị trí lỗi vào 11h trưa ngày 23/1; mối hàn đầu tiên sẽ hoàn thành vào 17h ngày 25/1; mối hàn cuối cùng dự kiến xong vào 3h sáng ngày 28/1 và thời điểm hoàn tất chôn cáp dự kiến vào 7h sáng ngày 29/1/2017. Khi đó, 100% kênh truyền trên tuyến cáp này sẽ được khôi phục.
Với kế hoạch dự kiến nêu trên, sẽ còn gần 17 ngày nữa kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế trên tuyến cáp mới được khôi phục hoàn toàn, chậm hơn nhiều so với kế hoạch đã được VNPT VinaPhone cho biết trước đó (khoảng từ ngày 18 - 23/1/2017).
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các chuyên gia, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, kế hoạch sửa cáp đảm bảo đúng tiến độ dự kiến thì có thể ngay sau khi mối hàn cuối cùng được hoàn tất,tức là sau 3h sáng ngày 28/1/2017, người dùng Internet Việt Nam đã có thể được kết nối lưu lượng dịch vụ qua tuyến cáp AAG. Thời điểm đơn vị quản lý tuyến cáp chốt hoàn tất công việc sửa cáp (ngày 29/1/2017) là khi tất cả các công đoạn sửa chữa, khắc phục sự cố đã được hoàn thành, 100% kênh truyền được khôi phục và người dùng Internet có thể sử dụng ổn định.
AAG là hệ thống cáp quang biển có chiều dài 20.000 km, kết nối trực tiếp khu vực ASEAN với Mỹ. Được đưa vào khai thác từ năm 2009, tuyến cáp này đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Mỹ (Guam, Hawaii và California). Từ khi được khai trương và đưa vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp quang biển AAG đã nhiều lần gặp sự cố hoặc được bảo trì, khiếncho việc truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị chập chờn, thậm chí có thời điểm không thể tiến hành giao dịch.
Lần cáp quang biển AAG bị sự cố dò nguồn tại vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 98 km vào ngày 8/1 vừa qua là lần đầu tiên trong năm 2017 nhưng là lần thứ 10 tính từ năm 2014 đến nay tuyến cáp quang biển AAG bị gián đoạn, mất liên lạc do bị sự cố hoặc được bảo trì. Chỉ tính riêng trong 4 lần tuyến cáp quang biển AAG gặp sự cố và được bảo trì trong năm 2016, tổng số thời gian thông tin trên tuyến cáp này bị gián đoạn đã lên tới gần 2 tháng.
Cũng trong ngày hôm nay, 12/1/2017, một ISP đã cho biết vào chiều ngày 11/1/2017, chỉ một ngày sau khi bị sự cố tại vị trí gần Hong Kong, tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) tiếp tục gặp lỗi sụt nguồn tại vị trí gần Singapore, gây gián đoạn thông tin trên tuyến cáp theo các hướng kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong, Singapore và Mỹ. Hiện Tata - đơn vị chủ quản tuyến cáp quang biển Liên Á phân đoạn Singapore vẫn chưa thông tin về kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố của tuyến cáp IA. Cáp IA được đưa vào vận hành chính thức từ tháng 11/2009, có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế ban đầu là 3,84 Tbps; kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong và Nhật Bản.