Tính đến cuối tháng 6.2016, Hà Nội vẫn còn hơn 144.000 thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở (lần đầu) cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Thành phố (viết tắt là Giấy chứng nhận) do còn một số tồn đọng, vướng mắc.
Đến năm 2017 giải quyết cơ bản tồn đọng sổ đỏ |
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, tính đến cuối tháng 6.2016, Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận cho 1.458.150 thửa đất, căn hộ. Trong đó, 100% các trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện và kê khai đăng ký đã được cấp Giấy chứng nhận, đạt 89,9% số thửa đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong các khu dân cư; đạt 89% số căn hộ tại các dự án phát triển nhà ở; đạt 57% số thửa đất do các tổ chức sử dụng; 358 thửa đất do các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng; cấp được 54.000 Giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa. Song bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn hơn 144.000 thửa đất còn tồn đọng, vướng mắc, trong đó gần 16.000 trường hợp lấn, chiếm đất, hàng chục nghìn trường hợp cấp trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định, vi phạm quy hoạch hiện nay.
Cụ thể, hiện có 56.970 căn hộ tại các dự án phát triển nhà ở có liên quan đến sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, quản lý đất đai của chủ đầu tư. Các sai phạm cụ thể như: Xây dựng không đúng quy hoạch chi tiết hoặc không đúng thiết kế hoặc giấy phép được cấp (xây tăng diện tích (tăng mật độ) xây dựng; tăng số tầng, tăng số căn hộ) chuyển công năng tầng kỹ thuật thành văn phòng hoặc nhà ở; chuyển tầng dịch vụ, thương mại thành nhà ở); Vi phạm pháp luật đất đai như chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai (chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng không làm thủ tục theo quy định) nhưng đã xây dựng và bán nhà ở; giao đất cho cơ quan, đơn vị xây dựng nhà ở, nhưng đã phân chia cho cán bộ, công nhân viên tự làm nhà ở; chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai; trong đó, một số trường hợp phát sinh nghĩa vụ tài chính do vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng chưa được xử lý; chưa hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất, nhưng chủ đầu tư đã giải thể hoặc thay đổi; chủ đầu tư sau khi hoàn thành xây dựng, bàn giao nhà ở xong đã chậm trễ trong việc nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà; nhiều trường hợp chủ đầu tư cho người mua nhà ở được chậm trả tiền mua nhà hoặc do người mua nhà đang thế chấp hợp đồng mua bán nhà tại các tổ chức tín dụng nên không đủ giấy tờ cần thiết để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận. Còn đối với các tổ chức sử dụng đất (tổ chức kinh tế, tổ chức - xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp) ngại lập hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận theo quy định. Cho nên vẫn còn tới hơn 8.300 tổ chức chưa kê khai cấp Giấy chứng nhận…
Để đạt được mục tiêu đề ra của lãnh đạo Thành phố: Đến tháng 6.2017, hoàn thành việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận hoặc lập hồ sơ quản lý đối với các thửa đất còn tồn đọng; cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận cho tổ chức sử dụng đất đủ điều kiện và đã kê khai đăng ký cấp giấy. Trong năm 2016, hoàn thành việc cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận đối với diện tích đất nông nghiệp đã thực hiện xong việc dồn điền, đổi thửa. Tại Hội nghị Giao ban trực tuyến quý II/2016 do Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội vừa tổ chức mới đây, đã tập trung lấy ý kiến đóng góp và đề xuất của các quận, huyện, ngành nhằm tháo gỡ những khó khăn, tồn đọng trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở hiện nay.
Một trong những giải pháp được kiến nghị là cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này. Hiện Hà Nội đã có thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký biến động đất đai giảm 1/3 so với trước đây, thời gian giải quyết hồ sơ chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế quyền sử dụng đất trước đây là 21 đến 30 ngày thì nay chỉ còn 10 đến 15 ngày. Từ 8 loại giấy tờ, nay chỉ cần 4 loại. Tuy nhiên, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn cần đẩy mạnh theo hướng công khai, minh bạch, đổi mới lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm hơn nữa, giải quyết dứt điểm việc cấp đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, cải thiện kết quả hiện còn 146.189 thửa đất của hộ gia đình, cá nhân, 8.345 thửa đất các tổ chức đang sử dụng đất chưa kê khai đăng ký cấp Giấy chứng nhận, 144.011 thửa đất, 56.970 căn hộ đang gặp khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc cấp Giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa tiến độ rất chậm so với yêu cầu, đạt khoảng 7%.
Về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định quyết tâm của lãnh đạo Thành phố trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp trong lĩnh vực cấp "sổ đỏ". Theo Phó Bí thư Thành ủy, các cấp, các ngành cần phải xác định đây là thủ tục hành chính quan trọng, làm cơ sở để thống nhất quản lý đất đai, nhà ở và tài sản gắn với đất ở theo pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế và là căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp về đất đai, nhà ở. Vì vậy, cần tập trung tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân về các chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Chính quyền các cấp rà soát, thống kê, phân loại các trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết gắn với chỉ tiêu số giấy chứng nhận phải hoàn thành theo từng tháng, giao cụ thể cho từng địa bàn, từng đơn vị. "Kết quả công tác cấp giấy chứng nhận trên địa bàn sẽ là một chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền"- Phó Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Theo Lao động thủ đô