Tôi mong giới tinh hoa có thể nghĩ nhiều hơn về nông dân Việt Nam khi viết những đề án triệu đô, ngàn tỷ. Hướng tới phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng nhất của hội nhập.

Xem bài trước: Người Việt, cứ áp dụng chuẩn lại khó khăn

{keywords}
Việt Nam đang mở cửa để hội nhập mạnh mẽ

Trở tay có kịp?

Hoàng Hường: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng phát biểu hội nhập sẽ "tạo thêm động lực cải cách thể chế, giúp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch và thúc đẩy đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam". Để đạt được mục tiêu như Thủ tướng nói, cần những chuẩn bị gì về mặt nhân lực?

Giờ này mà nói là “chuẩn bị” thì  không còn sớm nữa, mà phải gọi là “trở tay” cho kịp. Hội nhập đã vào nhà mất rồi, chúng ta khoá được vài cánh cửa thuế quan, nhưng có những giao dịch dịch vụ, giao dịch sở hữu trí tuệ, chất xám thì đã vượt hàng rào thuế quan từ lâu.

Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao, bà Nguyễn Thị Thùy Minh, Giám đốc nhân sự Khách sạn Sheraton, bà Đỗ Thùy Dương, Tổng giám đốc Công ty Talent Pool.

Bà Đỗ Thùy Dương:

Có hai cách để chuẩn bị về nhân lực:

Thứ nhất: nội lực. Chúng ta cần chiến lược phát triển tổng thể  Quốc gia trong giai đoạn tới. Theo đấy, sẽ xác định đâu là những ngành trọng điểm mà chúng ta không thể không đầu tư quyết liệt. Ví dụ như nông nghiệp và du lịch. Những ngành nào ta có thể kết hợp để tận dụng lợi thế của các quốc gia cùng hợp tác như giáo dục, đào tạo, y tế, dịch vụ...

Những lĩnh vực nào có thể bứt phát vượt trội và trở thành lĩnh vực được nhắc đến như là lợi thế cạnh tranh tuyệt đối ví dụ như CNTT, chế biến xuất khẩu các sản phẩm tinh từ nguồn nguyên liệu có sẵn…

Sau đó theo từng cấp độ ưu tiên, chúng ta có thể đưa ra chiến lược đầu tư vào đào tạo, phát triển. Giáo dục và công nghệ sẽ kết hợp chặt chẽ với nhau để có thể cho ra đời những “nhân sự đạt chất lượng cao nhất” đáp ứng “khung năng lực” của những nghề trọng điểm. Nếu chúng ta vẫn theo đuổi “công nghiệp hoá hiện đại hoá trên diện rộng” như hiện nay thì khó có thể thành tựu được.

Thứ hai, sử dụng đòn bẩy ngoại lực khi thu hút và phân bố đầu tư nước ngoài. Chúng ta mở cánh cửa đầu tư thì đều thấy rằng, doanh nghiệp nước ngoài không nên tập trung vào Hà Nội và TP HCM như trước đây, mà nên được khuyến khích học đầu tư theo chiều dài đất nước.

Theo đó, lực lượng lao động trình độ cao có thể cống hiến cho quê hương, và dần lan toả, tạo những cộng đồng mới, thay đổi lối sống, tập quán theo kiểu cũ, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, họ sẽ hỗ trợ được những người yếu thế như lao động phổ thông, nông dân.

Việc thúc đẩy xây dựng các trung tâm kinh tế, thương mại văn phòng tại các thành phố vệ tinh xung quanh các thành phố lớn tôi cũng thấy đón đầu được xu hướng này. Giờ điều cần làm là các thành phố đó được chủ động và tư vấn đúng cách để thu hút nhân sự giỏi, là con dân của quê hương mình và các khu vực lân cận về đóng góp.

Việc thu hút đầu tư nước ngoài cần tính tác động lâu dài. Còn nếu chỉ nhìn vào tổng mức đầu tư để vui mừng, thì tôi sợ rằng chúng ta lại sẽ quay trở lại cái thời "nhịn miệng đãi khách”  theo cách “bọn trẻ nhà em ăn cơm hết rồi, có con gà thì mời bác khách hết cả".

Như vậy, cái cần nhìn là một chiến lược tổng thể cấp quốc gia. Chúng ta hội nhập rất nhiều, nhưng từng người nông dân, công nhân, tri thức, nhà báo, luật sư... thấy vai trò của mình trong câu chuyện hội nhập ra sao?  Giống như mỗi khi nhà có khách, ai cũng biết mình sẽ làm gì để tiếp khách cho tốt. Khách này lại là bạn làm ăn, nên cũng phải tìm hiểu cho kỹ và phối hợp cho nhịp nhàng.

Đợi chuẩn bị kỹ sẽ chẳng bao giờ hội nhập được

Hoàng Hường: Nhiều doanh nghiệp và quản lý nhân sự lo lắng hàng hóa nội địa có thể ế ẩm, lao động trong nước gia tăng thất nghiệp do kỹ năng công nghiệp thua kém lao động nước ngoài. Lo ngại này có cơ sở không, trước mắt nên có những giải pháp gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thùy Minh: Việc cấp thiết và quan trọng hơn là chúng ta phải làm gì để những lo lắng đó không xảy ra: cần những nỗ lực nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong các doanh nghiệp của Việt Nam; trang bị và đào tạo những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho người lao động của ta để họ sẵn sàng, thậm chí là trở thành nguồn lao động “giá cao” trên “sân chơi” này.

Bà Đỗ Thùy Dương: Chúng ta lo như thế nhiều năm nay rồi. Từ hồi tôi còn là sinh viên đại học Ngoại thương, học về WTO cũng y chang những nỗi lo như thế; rồi còn tìm đủ mọi cách để bảo hộ bao bọc cho các doanh nghiệp trong nước, mà lại bảo hộ nhầm. Ví dụ hồi đó không bảo hộ phát triển nông nghiệp mạnh hẳn lên, mà lại bảo hộ sản xuất ô tô. Thế nên đến giờ nông nghiệp và người nông dân vẫn chưa được chuẩn bị cho hội nhập gì thì lại chuẩn bị có sóng lớn

Như vậy, cứ đợi chuẩn bị kỹ thì rất có thể chúng ta chẳng bao giờ hội nhập được cả. Bài học đó, sự chuẩn bị đó có lẽ đã đến lúc không còn là đóng cửa dạy nhau nữa, mà phải mở cửa ra để chính thị trường và nền kinh tế cạnh tranh thúc đẩy hoàn thiện các doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu mới

Tôi nghĩ nhiều hơn đến các vấn đề xã hội và thất nghiệp sau hội nhập. Người nông dân có thể không còn đất nền nông nghiệp, cần thay đổi cách đầu tư dựa vào sức người và nền nông nghiệp tự nhiên nữa.

Và để làm như vậy, cần có sự chú tâm nhiều hơn của các nhà quản lý, các nhà hoạt động xã hội giúp những người dân không dùng Internet, không đi làm, không có điều kiện được học hỏi và học tập, được biết về những sự chuẩn bị cần thiết với họ khi hội nhập. Chẳng mấy nữa đâu, họ sẽ phải đối diện với rất nhiều những câu hỏi mà không ai giúp. Những câu trả lời nóng vội dựa trên lợi ích ngắn hạn sẽ làm phát sinh rất nhiều các vấn đề xã hội, sau này khó có thể giải quyết được.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Thùy Minh

Hoàng Hường: Cuối cùng, điều ông/bà mong đợi/lo ngại nhất trong vấn đề hội nhập là gì?

Ông Trần Việt Thái: Từ góc độ cá nhân, tôi kỳ vọng hội nhập sẽ mở ra một tương lai tốt hơn cho thế hệ sau. Tôi mong con tôi sẽ được hưởng nền giáo dục tốt hơn, sống trong một xã hội văn minh hơn.  

Bà Đỗ Thùy Dương: Tôi lo cho những người nông dân. Ở một đất nước có 70% dân số làm nông nghiệp, thì không có nỗi lo nào lớn hơn. Tôi đang ăn cơm gạo họ trồng, rau trên vườn nhà họ. Dẫu có nhiều sự lựa chọn khác, công nghiệp hơn, có thể an toàn hơn, nhưng tôi không sống một mình như thế. Còn phải làm gì để người nông dân sẵn sàng cho hội nhập, cần nghiên cứu sâu hơn.

Tôi mong đợi sức ép từ hội nhập sẽ khiến giới doanh nhân tri thức, những tinh hoa của đất nước có đủ động lực, và sự bền bỉ để vượt qua thử thách này, để bộc lộ sức mạnh tiềm ẩn mà họ đang có. Tôi tin rằng, chúng ta hoàn toàn có khả năng làm giàu một cách minh bạch hoặc ít nhất là sống sung túc.

Cuối cùng, tôi mong rằng, giới tinh hoa này có thể nghĩ nhiều hơn về nông dân Việt Nam khi viết những đề án triệu đô, ngàn tỷ của mình. Để chúng ta phát triển mà vẫn tạo điều kiện cho những người nông dân có thể học hỏi và trở thành một phần trong sự phát triển đó? Biết là lợi nhuận và tốc độ của những dự án nhân văn như vậy sẽ thấp hơn việc chúng ta làm theo cách cũ, nhưng có lẽ, hướng tới phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng nhất của hội nhập.

Bà Nguyễn Thị Thùy Minh: AEC không phải là mục tiêu hội nhập duy nhất ở Việt nam nhưng tôi có nhiều mong đợi đối với vấn đề hội nhập này. Khi chúng ta đứng trên một sân chơi chung thì cạnh tranh và tự khẳng định mình là một động lực để chúng ta phát triển bền vững. Tôi tin tưởng Chính phủ Việt nam cùng với các nước trong cộng đồng ASEAN có những chính sách và lộ trình cụ thể cho từng mục tiêu, vì vậy tôi đang chờ đợi sự chuyển mình tốt đẹp mà hội nhập mang lại.

Hoàng Hường (Thực hiện)