Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt điều chỉnh một số nội dung của Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam.
Theo đó, Bộ này đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh tên, thời gian khai thác, công suất khai thác, tọa độ ranh giới khép góc của một số dự án trong quy hoạch.
Cụ thể, nhiều dự án khai thác than theo quy hoạch sẽ kết thúc khai thác vào 2016-2020. Ví dụ một số dự án ở mỏ Vàng Danh, mỏ Mạo Khê, mỏ Núi Béo, mỏ Hà Lầm, mỏ Suối Lại, mỏ Hà Ráng, mỏ Tây Bắc Ngã Hai, mỏ Khe Tam,...
Việc khai thác than ngày càng khó, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu |
Do đó, Bộ Công Thương đề nghị kéo dài thời gian khai thác sang sau năm 2021 với nhiều dự án. Chẳng hạn, dự án đầu tư cải tạo mở rộng khai thác lộ thiên các lộ vỉa Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin dự kiến kết thúc khai thác năm 2020, nay Bộ đề nghị kéo dài đến 2022; dự án khai thác lộ thiên vỉa, 9A cánh Nam mở rộng, xuống sâu đến mức -40 của Công ty Than Mạo Khê - TKV dự kiến kết thúc khai thác năm 2019, nay được đề nghị kéo dài đến 2023...
Dự án khai thác lộ thiên mỏ than Núi Béo theo quy hoạch phải chấm dứt vào 2016, song Bộ Công Thương đề nghị kéo dài đến 2022.
Một số dự án khai thác trong giai đoạn 2021-2030 cũng được đề xuất cho thêm thời gian. Mỏ Hồng Thái chuyển từ năm 2022 sang 2024, mỏ Tân Lập chuyển từ 2021 sang 2026; mỏ Cọc Sáu chuyển từ 2022 sang 2027...
Bộ Công Thương thấy rằng: Khả năng sản xuất than thương phẩm của ngành than từ nay đến năm 2030 tăng không nhiều, đạt khoảng từ 42÷50 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu than của các hộ ngày càng tăng cao vượt xa khả năng cung cấp của ngành than, đặc biệt là nhiệt điện (60-119 triệu tấn/năm).
“Do vậy, việc nhập khẩu than là tất yếu với nhu cầu dự báo ngày càng tăng, với khoảng 67 triệu tấn vào năm 2025, khoảng 98 triệu tấn vào năm 2030 (trong đó, nhập khẩu than cho điện chiếm khoảng 60-80%), Bộ Công Thương cho biết.
L.Bằng
Hết thời xuất thô giá rẻ, Việt Nam phải nhập than, dầu ngày càng nhiều
Từ một nước xuất khẩu năng lượng (than, dầu... ), Việt Nam đang trở thành nước nhập khẩu các nguyên liệu này với số lượng ngày càng lớn.