Chuyện lười tiếp dân…

Trong bối cảnh hiện nay, chuyện tiếp dân trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.

Người dân quan tâm không chỉ những vấn đề lớn ở tầm vĩ mô của đất nước mà cả những chuyện gắn liền với đời sống hằng ngày, đặc biệt là trật tự trị an xã hội, nạn tham nhũng; những quyền lợi sát sườn như việc làm, nhà cửa, đất đai,…

Việc tiếp dân không đơn giản là dân hỏi lãnh đạo trả lời mà quan trọng hơn là phương cách giải quyết của chính quyền về những vấn đề dân phản ánh thuộc thẩm quyền mình phụ trách.

Tuy nhiên, bộ máy hành chính của ta chưa tinh gọn; chức năng, trách nhiệm nhiều khi không rạch ròi hoặc chồng chéo; cán bộ có lúc, có nơi còn quan liêu, hách dịch dẫn đến việc tiếp dân, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân không đến nơi đến chốn hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Tình trạng đó khiến người dân mất niềm tin vào chính quyền dẫn đến kiến nghị, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp,…

Việc ra đời Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 và tiếp theo là Luật Tiếp công dân năm 2013 đã giúp cho việc tiếp, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được bài bản, chuyên nghiệp, mang tính pháp lý cao.

Tuy nhiên, đây đó vẫn còn có những cơ quan, ban ngành, địa phương xem nhẹ hoặc lơ là việc tiếp dân theo quy định của pháp luật.

Theo số liệu báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018 công bố tại Quốc hội, tỷ lệ chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân định kỳ chỉ đạt bình quân 48% so với quy định. Trong số đó phổ biến là ủy quyền cho cấp phó, nhiều tỉnh hoàn toàn trắng về số liệu, có những tỉnh tỉ lệ tiếp dân của chủ tịch so với quy định là 0%...[1]

…và chuyện “lỗ tiếp dân”

Chuyện lãnh đạo một số địa phương không chịu tiếp dân nêu trên là đáng phải kỷ luật, chí ít thì cũng phải “nghiêm túc kiểm điểm” và “rút kinh nghiệm”! Nhưng ngay cả đã thực hiện đúng lịch trình quy định thì vấn đề chất lượng tiếp dân là điều khiến dư luận quan tâm không kém.

Chất lượng tiếp dân gắn liền với nhiều yếu tố: Cơ sở vật chất nơi đặt trụ sở tiếp dân; thái độ ứng xử của cán bộ, nhân viên phòng tiếp dân; phương pháp xử lý, hiệu quả giải quyết vấn đề của lãnh đạo,…

Câu chuyện sau đây là một bài học đáng suy ngẫm về việc tiếp dân như thế nào đối với chính quyền các cấp. 

{keywords}
Dân chui qua lỗ để làm việc với cán bộ. Ảnh cắt clip/VOV

Trung tuần tháng 4, một clip dài hơn 6 phút gây xôn xao dư luận, được một người phụ nữ phát trực tiếp tại phòng tiếp dân của UBND tỉnh Nam Định ghi lại cảnh tượng lộn xộn, ồn ào với nội dung đăng tải: “Dân chui qua lỗ để làm việc với cán bộ".

Sau khi báo chí lên tiếng, ông Chánh văn phòng UBND tỉnh Nam Định, khẳng định những nội dung mà người phụ nữ ghi lại sáng 10/4 là không đúng sự thật, có lời lẽ vu khống với mục đích xấu. Theo ông, quy trình tiếp dân và cách ứng xử của cán bộ tiếp dân khi đó là chuẩn mực, không có gì sai trái.[2]

Nhưng trái ngược với những gì mà vị này áp đặt, xem qua đoạn clip, mọi người đều thấy:

- Cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu của một phòng tiếp dân cấp tỉnh: Phòng ốc tuềnh toàng, hệ thống âm thanh không đầy đủ, không hoạt động; bàn làm việc giữa cán bộ với người dân có khoảng cách quá xa lại bị ngăn cách bởi song sắt, cách âm bởi kính chắn, không có ghế để người dân ngồi khi trình bày kiến nghị, khiếu nại,…

- Do bố trí phòng không hợp lý nên việc tiếp dân gây phản cảm, nhất là hình ảnh người dân phải chui qua lỗ mới giao tiếp được với cán bộ, buộc phải nằm bò trên kệ, chổng mông ra trước mặt mọi người.

- Thái độ tiếp dân của cán bộ không đúng mực, không nghiêm túc.

- Người dân tỏ thái độ bức xúc (dùng ngôn từ thiếu chuẩn mực) trước lề lối làm việc thiếu chuyên nghiệp, gây phiền hà của cán bộ phòng tiếp dân tỉnh.

Tất cả những điều trên phản ánh một thực tế, chính quyền địa phương mà bộ phận trực tiếp tổ chức và quản lý là Văn phòng UBND tỉnh chưa quan tâm đến bộ mặt và chất lượng hoạt động của phòng tiếp dân. Suy cho cùng đó là cách hành xử còn thiếu tôn trọng, thân thiện với dân, xem nhẹ hoạt động vốn đã được luật hóa.

Thái độ, lời nói của ông Chánh Văn phòng thể hiện sự bao biện, che giấu khuyết điểm, không dám nhìn thẳng vào sự thật, thay vì cầu thị lắng nghe, nghiêm túc nhận trách nhiệm để kịp thời khắc phục, chấn chỉnh.

Nếu soi vào một số điều của Luật tiếp công dân 2013 sẽ thấy, hoạt động tiếp công dân ở đây như phản ánh trong clip quả thực là chưa đáp ứng được theo quy định.

Ví dụ, Điều 8 quy định trách nhiệm của người tiếp công dân phải có trang phục chỉnh tề, thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe dân, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; Điều 19 quy định địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được bố trí tại vị trí thuận tiện, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được dễ dàng, thuận lợi. V.v và v.v…

Mặc dù hơn 10 ngày sau, theo phản ánh của báo chí, nơi đăng kí tiếp dân của tỉnh đã được chính quyền “nâng cấp”. Nhưng nhìn chung, sự thay đổi không có gì đáng kể. Bức tường ngăn cách giữa cán bộ tiếp nhận hồ sơ với người dân vẫn cơ bản giữ nguyên, thậm chí còn được nâng cao hơn, “lỗ tiếp dân” thì thu hẹp lại.

Lý giải về việc không thể dẹp bỏ vách ngăn gây phản cảm này, ông Đỗ Văn Học, Phó trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh nói: “Tấm kính dựng lên để đảm bảo an toàn cho cán bộ phòng khi xảy ra sự cố”.[3] Hóa ra, ở nơi được cho là “gần” dân nhất, những công bộc đáng kính của dân vẫn ám ảnh một nỗi sợ hãi hoang đường như vậy.

Tôi rất tâm đắc với ý kiến của bạn đọc trên Báo VietNamNet: “Tiếp dân nó nằm trong lòng các cán bộ mới quan trọng. Dù không gian nào mà tấm lòng có vách ngăn vô hình, sự tôn trọng hay coi khinh, gần gũi hay xa lánh, thấu hiểu hay vô tâm mới là những vách ngăn đáng sợ nhất”.

Không xóa được những vách ngăn vô hình trong tấm lòng người cán bộ đối với dân thì chuyện tiếp dân của lãnh đạo chỉ là hình thức.

Cho nên dù việc tiếp dân đã được luật hóa nhưng quan trọng nhất vẫn là người thực hiện mà trực tiếp ở đây là cán bộ, là lãnh đạo được giao nhiệm vụ tiếp dân. Họ không tâm huyết, họ không trọng dân, gần dân, lắng nghe dân thì luật pháp chẳng còn ý nghĩa gì.

Bất chợt, tôi nhớ đến câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ/Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa”. Người cán bộ cách mạng một thời về với nhân dân như một lẽ tự nhiên, như về với người thân yêu nhất, về với cội nguồn của sự sống chứ không phải với tư cách của một ông quan cách mạng.

Niềm khát khao vô biên ấy, lẽ tự nhiên giản dị ấy, cán bộ bây giờ được mấy ai?

Nguyễn Duy Xuân
--------

[1]. Nhiều chủ tịch tỉnh ít tiếp dân, Báo Người Lao động, 15/11/2018.

[2]. Nam Định đề nghị xử lý người quay clip "dân chui qua lỗ làm việc với cán bộ", Báo Kiến thức, 15/04/2019.