Thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ
Mỗi quốc gia đều có sản phẩm quốc gia của riêng mình. Sản phẩm quốc gia phải là cuộc cạnh tranh chất lượng của các doanh nghiệp. Vì vậy, đối với sản phẩm quốc gia trong giai đoạn tiếp theo cần có những chủ trương, chính sách hình thành nên hệ thống các sản phẩm quốc gia làm mục tiêu định hướng, để bộ, ngành, doanh nghiệp cùng hướng tới và phát triển.
Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 130/QĐ-TTg ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể của Chương trình là phát triển và làm chủ được 20 công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao của doanh nghiệp.
Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 bao gồm 3 chương trình thành phần. Ảnh minh họa. |
Chương trình nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm. 100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm trực tiếp tham gia Chương trình hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển; có từ 3 đến 5 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới công nghệ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất 1,5 lần năng suất lao động khi chưa đổi mới công nghệ.
Khoảng 5.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp được tập huấn, đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới ở 10 lĩnh vực chủ lực, trọng điểm thông qua hình thức tại chỗ và trực tuyến. Hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất một mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng. Đến năm 2030, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 20%/năm.
Chương trình cũng đặt mục tiêu gia tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trong công nghiệp chế biến chế tạo, tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao; xây dựng và phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; xây dựng và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước.
Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 bao gồm 3 chương trình thành phần: Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì; Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.
Để đạt mục tiêu trên, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình gồm: Hoàn thiện thể chế; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả nghiên cứu, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ; hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ cao; nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tác động của công nghệ cao.
Tăng cường liên kết, bổ trợ, nâng cao chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực quốc gia
Trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế, xã hội, các chương trình tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ theo hướng tăng cường liên kết, bổ trợ lẫn nhau, nâng cao chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực quốc gia.
Đến nay, 3 chương trình đã thu hút được hơn 150 đơn vị có năng lực tham gia các nhiệm vụ, trong đó 59% số đơn vị trực tiếp chủ trì là các doanh nghiệp. Các nhiệm vụ triển khai trên hơn 30 tỉnh, thành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và các ngành kinh tế. Phần lớn các nhiệm vụ được thực hiện theo hình thức doanh nghiệp chủ trì kết hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia công nghệ để phát triển sản phẩm dưới sự hỗ trợ của nhà nước.
Sự gắn kết này đã góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ trong thực tiễn đời sống xã hội.
Diệu Bình