Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách cụ thể và hiệu quả hỗ trợ cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi đại gia súc nói riêng phát triển hiệu quả và bền vững.
Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới và là một trong 7 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang với đặc điểm chủ yếu là đồi núi đá, địa hình chia cắt mạnh, nguồn đất và nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn…
Huyện Mèo Vạc phấn đấu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. |
Xuất phát từ thực tiễn đó, huyện Mèo Vạc đã xác định, muốn phát triển nông nghiệp phải dựa chủ yếu vào phát triển chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ thâm canh. Trong đó, huyện tập trung phát triển chăn nuôi bò hàng hóa theo hướng an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh là chủ yếu. Đây cũng là một trong các yếu tố để xây dựng ngành nông nghiệp của tỉnh bền vững, ổn định.
Mục tiêu của huyện Mèo Vạc là phấn đấu trở thành huyện chăn nuôi gia súc hàng hóa theo hướng an toàn sinh học (chủ yếu là chăn nuôi bò) lớn nhất của tỉnh vào năm 2025, tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bênh. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 có tổng số đàn gia súc đạt trên 65.000 con, riêng đàn bò đạt trên 33.800 con; tổng thu nhập từ chăn nuôi bò hàng hóa đạt trên 38% tổng thu nhập về sản xuất nông nghiệp của toàn huyện.
Những năm qua, huyện Mèo Vạc đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích người dân mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc. Trung tâm Khuyến nông huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ, tuyên truyền và tư vấn bà con đổi mới phương thức chăn nuôi, từ truyền thống sang nuôi nhốt chuồng.
Với mô hình nuôi nhốt chuồng, vốn ban đầu bỏ ra nhiều hơn do phải xây dựng chuồng trại kiên cố, hiện đại, trồng thêm cỏ voi… Tuy nhiên về lâu dài, mô hình là giải pháp giảm thiểu thiệt hại dịch bệnh gia súc, giúp nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho bà con.
Ngành chăn nuôi và thú y huyện chú trọng công tác phòng, chống bệnh hiệu quả, bảo vệ an toàn cho đàn gia súc. Tăng cường cử cán bộ chuyên môn đi kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi gia súc. Đồng thời, đôn đốc việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi một cách triệt để, tiêm bổ sung các loại vắc xin cho đàn vật nuôi mới. Phun khử trùng, tiêu độc ở những nơi có nguy cơ cao như các ổ dịch cũ, các chợ, cơ sở giết mổ, chuồng trại chăn nuôi; phương tiện vận chuyển, nơi tiêu hủy gia súc, gia cầm...
Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y được thực hiện theo đúng quy định. Cùng với đó, ngành chuyên môn khuyến cáo các hộ chăn nuôi nên thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc, rắc vôi bột sát trùng, tiêu độc. Cung cấp đủ nước sạch cho gia súc uống; tăng lượng thức ăn xanh. Chăn thả trâu, bò vào buổi sáng sớm và chiều mát để tránh nắng, nóng. Che chắn lên mái thêm các vật liệu chống nắng, nóng tạo cho chuồng trại thoáng mát.
Huyện cũng đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, các tổ hợp tác phục vụ cho phát triển chăn nuôi gia súc. Tăng cường hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ tiến bộ kỹ thuật vào quá trình cải tạo và phát triển đàn bò, cũng như áp dụng các kỹ thuật vào chăm sóc đàn bò, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ được ưu tiên thực hiện đã tạo điều kiện hình thành nên các gia trại và các trang trại chăn nuôi bò hàng hóa tập trung trên địa bàn của huyện.
Đến nay, ngành chăn nuôi gia súc (chủ yếu là chăn nuôi bò) của huyện Mèo Vạc đã có những bước tăng trưởng đáng khích lệ. Giá trị của ngành chăn nuôi (tính đến cuối năm 2020) chiếm trên 47% cơ cấu của ngành nông nghiệp (tăng 5,7% so với năm 2019).
Thúy Tình