Tư vấn quốc tế đề nghị cần sớm xoá bỏ vị trí mua điện duy nhất của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vào 2019 nhưng EVN muốn kéo dài lộ trình này, vì e ngại 5 Tổng công ty điện chưa đủ kinh nghiệm.

Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản đôn thúc Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thiết kế hoàn chỉnh thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2 của thị trường điện) trong tháng 6 tới.

Xoá bỏ vị trí người mua duy nhất của EVN

Liên danh tư vấn Intelligent Energy Systems và SW Advisory của Úc đã nêu rõ điều này khi trình bày với Cục Điều tiết điện lực Việt Nam về thị trường điện.

Theo thiết kế, các Tổng công ty điện lực hiện nay (Tổng công ty điện Miền Bắc, miền Nam, miền Trung, Hà Nội, Tp HCM) sẽ trực tiếp mua điện của các nhà máy điện và bán lại cho các khách hàng, là các đơn vị bán lẻ điện và người tiêu dùng. Ngoài ra, các khách hàng lớn, sử dụng điện ở cấp điện áp 110kV trở lên, như các nhà máy thép hay các Tập đoàn FDI lớn như Samsung, Intel, Posco, Formosa... sẽ được ký hợp đồng mua điện trực tiếp với nhà máy điện.

Về cách thực hiện, tư vấn đề nghị cần chuyển giao, phân bổ các hợp đồng mua bán điện mà EVN đã ký, chiếm tới 95% nhu cầu điện hiện nay cho 5 Tổng công ty điện lực từ trước năm 2019.

{keywords}
EVN vẫn giữ thế độc quyền người mua điện.

Cùng đó, đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện (SMO) sẽ phải tách biệt độc lập hoàn toàn với EVN, hoặc là công ty TNHH một thành viên tách bạch riêng trong EVN.

Đơn vị này cũng sẽ độc lập với cả bên mua điện và bên bán điện, trong đó, các thành viên của Hội đồng thành viên như Chủ tịch, Giám đốc không được có bất cứ vai trò gì trong bên bán và bên mua điện.

Tổ chức tư vấn khuyến cáo, mức độ độc lập phải tuyệt đối, như cơ sở vật chất, nhân sự, chức năng của đơn vị này cũng phải tách biệt với tất cả các bộ phận khác của EVN, không có sự chia sẻ chung nào.

Đơn vị vận hành hệ thống và thị trường điện sẽ hoạt động phi lợi nhuận. Cục Điều tiết điện lực Việt Nam, hay Ngân sách sẽ phải chịu trách nhiệm về chi phí cho đơn vị này, để đơn vị hoạt động được theo đúng chức năng của mình mà không cần hỗ trợ gì từ EVN.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Việt Nam bày tỏ, điểm lo ngại lớn nhất là các cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu và nguồn nhân lực để thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.

EVN vẫn cần thêm thời gian

Tuy nhiên, các đề xuất quan trọng trên của tổ chức tư vấn quốc tế đã bị EVN đánh giá là không hợp lý. Chẳng hạn trong việc xoá bỏ vai trò người mua duy nhất, khi phân bổ các hợp đồng mua bán điện của EVN đã ký kết cho 5 Tổng công ty điện lực, EVN cho rằng cần phải có giai đoạn quá độ.

Trình ý kiến tới Cục Điều tiết điện lực, EVN cho rằng, các Tổng công ty này không có đủ thông tin, kinh nghiệm về hệ thống điện để thực hiện các công việc phức tạp như thống nhất với các nhà máy điện về biểu đồ phát điện ngày theo hợp đồng nên cần thời gian để chuẩn bị năng lực.

Trong khi đó, EVN thay mặt 5 Tổng công ty mua toàn bộ điện năng trên hệ thống, còn phải tính đến các yếu tố đặc thu như mùa vụ của thuỷ điện, nhiên liệu khí, năng lực truyền tải 500kV.

Chưa kể, việc chuyển đổi như vậy cũng còn phụ thuộc vào quan điểm của các nhà máy phát điện, kể cả các chủ đầu tư mới. Nếu bắt buộc các chủ mới này đi tìm khách hàng ký hơp đồng thì sẽ ảnh hưởng tiến độ đàu tư nguồn và an ninh năng lượng.

{keywords}
Lộ trình đi đến thị tường điện cạnh tranh còn dài.

Vì vậy, báo cáo với Cục Điều tiết điện lực, EVN cho rằng, cần tiếp tục duy trì vai trò người mua duy nhất của EVN trong thời gian đầu với cơ chế như giữ nguyên như hiện nay. Nghĩa là EVN vẫn tiếp tục mua 95% nhu cầu điện thông qua các hợp đồng và bán cho các Tổng công ty điện lực.

Sau đó, EVN sẽ giảm dần mức này để chuyển giao tương ứng sản lượng mua điện cho các Tổng công ty điện nhưng phải thực hiện hết sức thận trọng.

Trong khi đó, thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay vẫn chưa minh bạch đầy đủ.

Tính đến hết tháng 12/2014, mới chỉ 44% công suất điện, tương ứng 15.297 MW trong tổng số công suất đặt 35.072MW đã giao dịch trực tiếp trên thị trường phát điện cạnh tranh, tức 48/102 nhà máy. Như vậy, có tới 56% công suất điện và phần lớn các nhà máy điện không qua thị trường.

Sau 3 năm vận hành thị trường này, phần lớn nguồn mới đều thuộc các dự án của EVN, trong đó, chỉ một phần nhỏ là tham gia trực tiếp thị trường điện, tức 1.000 MW trên tổng số 6.800 MW.

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam góp ý cho đề án cũng cho rằng, tỷ lệ tham gia thị trường phát điện như vậy là còn thấp. 4 doanh nghiệp lớn nhất thị trường (EVN, Genco 1, Genco 2, Genco 3) chiếm đến 61% thị phần, 2 doanh nghiệp tiếp theo là PVN và TKV chiếm tổng cộng 16% thị phần.

Trong đó, giữa 4 doanh nghiệp lớn nhất lại không độc lập với nhau bởi EVN sở hữu 100% vốn điều lệ của 3 công ty còn lại. Như vậy, có thể thấy 3 Tổng công ty phát điện đứng đầu đã chiếm đến 77% thị phần thị trường phát điện và những công ty này có thể chi phối đến giá bán điện trên thị trường.

"Với thực trạng trên, dường như, chúng ta vẫn chưa hình thành thị trường phát điện cạnh tranh, trong khi đây một trong những yếu tố quan trọng để triển khai bước tiếp theo, hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh", VCCI nhấn mạnh.

Phạm Huyền