Môi trường làm việc khắc nghiệt trong các kho hàng của Amazon đã trở nên quá quen thuộc với công chúng. Lợi nhuận mỏng manh và liên tục phải chiều lòng khách hàng của mảng thương mại điện tử gần như buộc công ty phải vắt kiệt sức các nhân viên kho hàng cũng như giao nhận để đảm bảo hiệu suất công việc.
Thế nhưng ngay cả mảng kinh doanh điện toán đám mây đầy lợi nhuận của Amazon cũng không thoát khỏi các tai tiếng liên quan đến nhân sự của mình. Sự việc chỉ được biết đến sau khi cựu nhân viên Cindy Warner đệ đơn kiện nhắm vào ProServe, một bộ phận trong mảng dịch vụ đám mây Amazon Web Services (AWS), với cáo buộc mình bị sa thải vì nói về việc phân biệt giới tính tại công ty.
Không chỉ đơn kiện này, báo cáo của Business Insider cho biết, đã có 21 nhân viên cũ và mới của AWS cũng cho biết tình trạng tương tự trong ProServe, bao gồm cả các vụ việc về tình trạng bắt nạt, xúc phạm phụ nữ, các bình luận thiên vị, trù dập nhắm vào những người khiếu nại và hình phạt nhẹ đối với các hành vi sai trái. Nhiều người không dám công khai nói về điều này do lo sợ bị trả thù.
Bên cạnh đó, ngay từ ngày đầu nhậm chức CEO của Amazon vào tháng Bảy năm ngoái, ông Andy Jassy đã nhận được bản kiến nghị có chữ ký của hơn 500 nhân viên mô tả về văn hóa "phân biệt đối xử, quấy rối, bắt nạt và thành kiến với phụ nữ và các nhóm yếu thế" được xây dựng một cách hệ thống trong mảng kinh doanh này.
Kể từ khi lên nhậm chức, ông Jassy đã nhắm đến việc biến Amazon thành "nơi làm việc tốt nhất trên Trái Đất", nhưng đồng thời vẫn phải tiếp tục đà tăng trưởng hiện tại. Trong tuyên bố của mình, Amazon cho biết, các cáo buộc tại ProServe "không phản ánh văn hóa của Amazon". Công ty cũng cam kết "điều tra các cáo buộc về văn hóa trong nhóm ProServe" và đưa mọi việc đi đúng hướng.
Mặc dù vậy, nhân viên bộ phận này vẫn đang lũ lượt dứt áo ra đi. Theo một nhân sự cấp cao của Amazon, tỷ lệ tiêu hao nhân sự của ProServe trong quý đầu năm nay đang cao gấp đôi mức dự kiến. Tuy nhiên phát ngôn viên của Amazon cho biết, các con số trên không chính xác nhưng cũng không cung cấp các con số cụ thể.
Trong khi đó, Amazon cũng mới điều chuyển Todd Weatherby, người từng đứng đầu ProServe, người bị cáo buộc phân biệt giới tính trong đơn kiện của Warner, sang "vai trò cố vấn" trong một đợt cải tổ bộ phận này.
Mặt trái trong cỗ máy tăng trưởng của Amazon
Được thành lập từ năm 2012, ProServe đã giúp biến mảng đám mây của Amazon từ một mảng kinh doanh nhỏ thành một nền tảng khổng lồ dành cho các tập đoàn lớn trên thế giới. Nhân viên của ProServe về cơ bản là những người tư vấn đám mây làm việc trực tiếp cho các khách hàng VIP như Nestlé, BMW và Samsung, giúp họ thiết lập và duy trì các sản phẩm đám mây của Amazon.
Các nguồn tin của Business Insider cho biết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và đối tác, các quản lý của nhóm đã tuyển dụng nhanh hết mức có thể. Nhân sự làm việc của ProServe đã tăng trưởng đến 78% trong một năm, đi kèm với đó là các lãnh đạo mới ít kinh nghiệm quản lý nhưng lại quản lý các nhóm tương đối lớn. Bên cạnh đó, bộ phận này cũng không có văn hóa hoặc hệ thống nào để biến các lãnh đạo này thành những nhà quản lý phù hợp.
Đối với đơn kiện của Warner, các cáo buộc bắt nguồn từ một cuộc gọi giữa cô và đồng nghiệp nam và đại diện nhân sự của Amazon. Ban đầu cuộc gọi nhằm giải quyết một tranh cãi nội bộ về khách hàng VIP của công ty, nhưng nhanh chóng đi chệch hướng và biến thành cãi vã lẫn nhau:
"Cô không là gì cả." Đồng nghiệp của Warner đã hét vào mặt cô. "Tôi sẽ đảm bảo rằng cô chẳng đi đến đâu cả trong cái tổ chức này." Sau đó người đồng nghiệp này còn gọi cô bằng các từ ngữ xúc phạm phụ nữ.
Cho dù phòng nhân sự đã điều tra sự việc này và đệ trình nó lên Jassy, khi đó đang là CEO của AWS, nhưng đơn kiện của Warner cho biết, người đồng nghiệp này sau đó cũng không bị kỷ luật. Ông Weatherby, quản lý của cô Warner, khi đó đã chế giễu, xúc phạm cô vì thất bại trong việc khiếu nại.
Đại diện của Amazon cho biết, công ty đã "tiến hành điều tra kỹ lưỡng về khiếu nại của cô Warner và nhận thấy các cáo buộc của cô là không có cơ sở."
Vị giám đốc nổi nóng
Ngay cả Pravin Raj, giám đốc của bộ phận này và từng là một người kỳ cựu đến từ Cisco, cũng bị nhiều nhân viên đánh giá như một người đặc biệt khó làm việc cùng. Theo nguồn tin của Business Insider, vị giám đốc này thường xuyên quát nạt nhân viên, dễ nổi nóng và thường đưa ra các nhận xét xúc phạm phụ nữ và người da màu.
Theo nguồn tin nội bộ, đã có nhiều lời phàn nàn về ông Raj được gửi tới bộ phận nhân sự của Amazon. Ngay cả trong đơn kiện của Warner cũng cho biết, nhiều nhân viên của ProServe đã khiếu nại về các "hành vi phân biệt đối xử và quấy rối" của ông Raj.
Theo nhiều nhân viên của ProServe, với chức vụ cao của mình trong bộ phận này, Raj như một "người thực thi" của Weatherby, vì vậy được bảo vệ khỏi các hành vi sai trái của mình trong một thời gian. Tám người khác từng làm việc tại ProServe cũng chứng thực điều này và cho biết Raj sẽ thay mặt Weatherby trừng phạt người khác khi cần thiết.
Warner và nhiều nhân viên khác ở ProServe cho biết, các nhà quản lý và lãnh đạo cấp cao ở Amazon đã lạm dụng chương trình quản lý hiệu suất của công ty, còn được biết tới với cái tên Focus, để trừng phạt những nhân viên dám lên tiếng phản đối.
Một vài năm trước, một nhân viên đã bị đưa vào chương trình Focus sau khi lên tiếng chỉ trích khả năng lãnh đạo của Raj. Warner cho biết, người này bị trừng phạt chỉ đơn giản là vì "đã vượt mặt Pavin".
Ban đầu, Focus được lập ra với mục đích huấn luyện các nhân viên có hiệu suất kém, nhưng thay vào đó, giờ đây nó được sử dụng như một vũ khí để ngăn mọi người lên tiếng tại công ty.
Vào tháng Bảy năm ngoái, trước hàng loạt khiếu nại nội bộ về thiên vị và bắt nạt diễn ra tại ProServe, AWS đã thuê một công ty bên ngoài, hãng Oppenheimer Investigations, để tiến hành điều tra. Thế nhưng gần 10 tháng sau đó, nhân viên trong bộ phận này cho biết, họ vẫn chưa nhận được cập nhật nào nhằm giải quyết các mối lo ngại của những khiếu nại trên.
(Theo Tổ Quốc, Business Insider)
Góc khuất của Amazon: Nhân viên bị máy móc giám sát đến mức phải đi tiểu vào chai, chỉ cần ngơi tay máy sẽ rung chuông báo động vì Jeff Bezos tin rằng ''ai rồi cũng lười thôi'
Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát cũng như tăng năng suất lao động đã giúp Amazon trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới nhưng cũng là cơn ác mộng đối với các nhân viên.