Tôi 29 tuổi, cái tuổi ở thời buổi bây giờ chưa phải đến mức gọi là gái ế, nhưng so với bạn bè cùng trang lứa nhiều đứa đã tay bế tay bồng thì các cụ ở quê cũng sốt ruột giục con nhanh nhanh chóng chóng tìm… “người rước”.
Riêng tôi thì cũng chẳng vội vàng, chẳng thấy sốt ruột gì vì đang rất thoải mái và vui vẻ với cuộc sống độc thân, mặc dù đôi lúc cũng hơi chạnh lòng một tý khi sổ mũi nhức đầu hay ngày lễ tình yêu, ngày dành cho phái đẹp thấy người ta có đôi có cặp.
Cũng có vài mối tình trôi qua mà chẳng đến đầu đến đũa gì, rồi tôi gặp anh, trưởng phòng một công ty đối tác cung cấp hàng hóa cho siêu thị chúng tôi.
Một vài lần làm việc chung, chúng tôi trao đổi, bàn bạc rất thẳng thắn nhưng cũng rất thoải mái, tôi thấy ấn tượng với phong cách làm việc chuyên nghiệp và cách xử lý các tình huống rất thông minh của anh.
Qua một số đồng nghiệp, tôi biết anh hơn tôi 7 tuổi, đã ly dị vợ và đang nuôi một con gái 6 tuổi. Công việc khiến chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với nhau nhiều hơn và dần dần chúng tôi cảm mến nhau lúc nào không hay.
Anh rất dè dặt bày tỏ tình cảm với nhau bởi sợ miệng tiếng người đời khi anh đã một lần đứt gánh, còn tôi vẫn là “gái tân”. Chẳng những thế, anh lại đang “gà trống nuôi con”. Tôi chủ động bày tỏ với anh tình cảm và suy nghĩ của mình, anh vui lắm và thường xuyên đưa tôi về nhà anh, nấu ăn, đi chơi cùng với con gái anh để “mẹ con làm quen dần với nhau” theo như lời anh nói.
Vốn yêu trẻ và cũng rất thật lòng thương quý con bé, nên tôi chăm sóc và đối xử với nó như người ruột thịt của mình. Thời gian đầu khi tôi mới về nhà chơi, con bé mừng lắm. Nó ríu rít gọi tôi suốt ngày, rồi hai cô cháu bày đồ chơi, búp bê ra chơi trò bán hàng, rồi làm cô giáo để dạy mấy con búp bê học. Anh nhìn tôi và con bé đầy hạnh phúc, yêu thương.
Thế rồi bên nhà ngoại của bé biết anh có tình yêu mới. Vậy là mỗi lần con bé được mẹ đón về, không hiểu ở nhà ngoại nói với nó những gì, mà con bé về thay đổi hẳn thái độ đối với tôi.
Chẳng những không chơi cùng tôi, nó còn lạnh nhạt không chào hỏi mỗi khi tôi đến nhà. Tôi cố gắng đến gần nó, hỏi han chuyện trò thì nó chạy lảng đi chỗ khác.
Nói với anh điều ấy, anh chỉ cười bảo chắc trẻ con “sớm nắng chiều mưa”, tôi đừng bận tâm những chuyện ấy.
Rồi đến ngày chúng tôi tổ chức đám cưới, đêm tân hôn, con bé nhất định không rời bố dù bà nội và các cô chú hết lời dỗ dành. Nó cũng nằng nặc không cho tôi vào giường ngủ cùng hai bố con. Tôi và anh khổ sở nhìn nhau rồi tôi đành ôm chăn gối ra phòng khách ngủ. Gần 12 giờ đêm, anh ra phòng khách với tôi, vợ chồng mà vụng trộm, lén lút như ngoại tình. Anh ôm tôi động viên cho anh thời gian để anh tâm sự với con, tôi nén nước mắt gật đầu…
Thế nhưng giờ đã là gần một năm chúng tôi cưới nhau, tình hình giữa tôi và con bé ngày một tệ hơn khi tôi có bầu. Có lần trước mặt cả tôi và anh, nó đã nói rằng nó “ghét em bé của bố và cô”, và “bố không còn yêu con nữa”…
Tôi đã rất cố gắng để yêu thương con của chồng bằng một tình cảm thực sự, nhưng hình như tôi càng cố thì khoảng cách giữa tôi và con bé càng ngày một xa hơn. Tôi phải làm thế nào bây giờ?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Tư vấn:
Đọc xong tâm sự của cô, tôi thật sự thông cảm với tình cảnh mà cô đang phải chịu. Nhưng cô ạ, cũng chẳng sai khi từ xưa rồi, các cụ đã có câu ca “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”.
Trên thực tế không phải là không có những người mẹ ghẻ không chỉ hết lòng yêu thương con chồng, mà còn hi sinh, tận tụy cả đời chăm sóc, nuôi dưỡng con chồng. Cũng rất nhiều đứa trẻ là con riêng của chồng, lớn lên và trưởng thành từ bàn tay chăm sóc, dưỡng dục của những người phụ nữ không sinh ra chúng, không phải là mẹ đẻ của chúng, nhưng công lao có khi còn lớn gấp mấy lần mẹ ruột.
Trong trường hợp của cô, con riêng của chồng còn nhỏ quá, bé mới có 6 tuổi, cái tuổi chưa đủ nhận thức để biết phân biệt đúng, sai, để biết đâu là tình yêu thương thật sự dành cho bé.
Cũng chẳng trách gì bé khi ban đầu nó rất quý cô, mong ngóng cô đến nhà chơi cùng nó và ríu rít không rời cô. Sau đó khi bên nhà ngoại bé biết quan hệ của cô và bố bé, ai đó đã có những lời không hay để đầu óc non nớt của bé bị ám ảnh về mẹ ghẻ như “một mụ phù thủy”, độc ác, không yêu thương bé và sẵn lòng làm hại bé.
Lẽ ra từ ngày chưa cưới, khi nhận thấy những thay đổi bất thường trong cách đối xử của bé với mình, cô và bố bé – chồng cô bây giờ nên tìm cách giải tỏa tâm lý cho con, để bé hiểu và dần dần chấp nhận cô cũng như cảm nhận tình yêu thương, sự chăm sóc thật tâm của cô dành cho bé.
Nhưng có lẽ cả cô và chồng đều nghĩ chuyện này là chuyện nhỏ, nên đã không chú tâm đến, để hậu quả là đêm tân hôn hai vợ chồng mỗi người mỗi nơi vì bị con riêng của chồng “chia cắt”.
Đêm tân hôn chỉ có một, nhưng cuộc sống của cô với chồng, với con riêng của chồng sẽ là cả quãng đường dài. Giờ vợ chồng cô lại chuẩn bị đón thêm thành viên mới, sẽ càng khoét sâu thêm sự căm ghét của bé đối với cô và với em bé con chung của hai người.
Theo tôi cô và chồng hãy bàn bạc thật kỹ, nếu cần có thể chia sẻ câu chuyện này với ông bà nội của bé và những người mà bé yêu thương, để họ cùng giúp vợ chồng cô, làm cho bé hiểu và tin vào tình cảm thực sự của cô đối với bố con bé.
Mong cô sớm giải quyết được câu chuyện này để cuộc sống thực sự được hạnh phúc.
(Theo Tiền Phong)