– “Mọi người chen lấn, đè lên nhau khiến con ngất xỉu. Tỉnh dậy, con thấy chị gái nằm bất động cách đó không xa. Mũi chị bị giẫm đến dập nát và con sờ không thấy thở nữa, chị ấy chết rồi…”. Ghi nhận của PV Thái Phương, báo VietNamNet tại hiện trường thảm họa giẫm đạp khiến hàng trăm người chết ở Campuchia.

>> Cận cảnh thảm hoạ giẫm đạp tại Campuchia

Hơn 1 ngày sau thảm hoạ ở Lễ hội Bon Om Book ở Phnom Penh, Campuchia người dân nơi đây vẫn chưa hết kinh hoàng.

Kinh hoàng….

Chúng tôi vào bệnh viện Calmette tối 23/11 trong khung cảnh nhốn nháo, xe đẩy đưa bệnh nhân ra vào liên tục phòng cấp cứu.

Hàng lang khoa phẫu thuật không ngừng tiếng rên rỉ của bệnh nhân - nạn nhân vụ giẫm đạp trước đó 1 ngày. Các bác sỹ khoa cấp cứu không cho phóng viên tiếp cận nạn nhân bởi nhiều người bị thương nặng. Các khoa khác trong bệnh viên đều chật cứng nạn nhân nằm điều trị.

Cậu bé Ly Heang

Hình ảnh của 184 trong số 375 nạn nhân chết trong vụ giẫm đạp lên nhau được dán ở trước cổng bệnh viện này. Hàng trăm người dân, người thân các nạn nhân đến dò trên hình ảnh với hy vọng thấy được người nhà mình.
 
 Cậu bé Ly Heang, 12 tuổi nằm ngủ ngon lành ngoài hành lang bệnh viện. Bên cạnh, mẹ cậu - chị May Seng, 46 tuổi vẫn chưa hết bàng hoàng khi tìm thấy đứa con sau một đêm mất tích. Suốt đêm, chị đi khắp các bệnh viện ở Phnom Penh tìm tung tích cậu bé.
 
 Trước đó, hai chị em Ly Heang háo hức đi xem lễ hội té nước ở đảo Kim Cương. Không ngờ, lễ hội trở thành ngày đại tang của nước Campuchia, Ly Heang may mắn sống sót nhưng cô chị gái đã bị giẫm đạp đến chết.
 
 “Hai chị em nắm tay nhau đi chơi. Khi mọi người xô đẩy, chen lấn con chỉ nhớ mình bị ngất xỉu. Tỉnh dậy, con thấy chị gái nằm bất động cách đó không xa. Mũi chị bị giẫm đến dập nát và con sờ không thấy thở nữa, chị ấy chết rồi…” - Ly Heang thì thầm với mẹ.
 
 Anh Koy Thearith, y tá của bệnh viện cho biết, khắp nơi trong khuôn viên đều có bệnh nhân nằm la liệt. “Tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng xe cấp cứu dồn dập, bệnh nhân đông như thế này” - anh chia sẻ.
 
 Gương mặt của nhiều nạn nhân vẫn chưa hết hoảng sợ sau một đêm kinh hoàng. Người thì cố gắng nhảy xuống nước, người bám vào lan can thành cầu, người may mắn sống sót nhờ… ngất xỉu.
 
 “Mọi người tháo chạy vì nghe cầu sắp sập”
 

 “Ba đứa cháu của tôi bị chết trong thảm hoạ giẫm đạp này. Không có từ ngữ nào diễn tả nổi cảm giác của tôi lúc này. May mắn đứa cháu gái này tôi tìm thấy nó ở bệnh viện nhờ xem tivi” - khuôn mặt thất thần, ông Mouf Dara, 60 tuổi nói về tai hoạ bất ngờ ập xuống gia đình mình.
 
 Trong lúc đang lo đám tang cho 3 đứa cháu - nạn nhân của vụ giẫm đạp khủng khiếp, ông nhận được tin đứa cháu gái Am So Phea, 25 tuổi đang được cấp cứu ở bệnh viện Calmette, Phnom Penh.

 Tìm kiếm người thân qua hình ảnh dán ở cổng bệnh viện

“Nó bị giẫm đạp đến giờ vẫn khó thở, đau ngực và bác sỹ phải túc trực thường xuyên” - ông Mouf Dara cho biết.

Còn chị Ly Som Pothop, 19 tuổi ở tỉnh Kan dan lần đầu tham gia lễ hội nhưng có lẽ cũng là lần cuối cùng. Mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi, nhợt nhạt sau một đêm kinh hoàng, chị Pothop cho biết mình bị nhiều người khác đè lên đến nỗi bất tỉnh. Đến khi tỉnh lại chị thấy mình đang ở trong bệnh viện và thật may mắn. “Có người hô lên cây cầu sắp sập. Thế là hàng ngàn người náo loạn chen lấn, xô đẩy nhau chạy tháo chạy…” - chị nhớ lại.

Theo nhiều người dân sống ở Phnom Penh, phần lớn nạn nhân trong thảm hoạ ở lễ hội đến từ các tỉnh. Do không không đi quen cầu treo và không rành đường đi nên khi hoảng sợ đã xô đẩy lên nhau.

Cầu Poh Pich mới được khánh thành là lối ra từ đảo Kim Cương với Thủ đô Phnom Penh. Còn một cây cầu cách đó khoảng 200m là lối đi vào đảo. Tuy nhiên, nhiều người dân từ các tỉnh không rành đường đi, khi xảy ra tin đồn về cầu sập khiến dòng người đi vào và đi ra xô đẩy nhau…

Đồng thời, nhiều khả năng là người dân các tỉnh không quen đi cầu treo nên khi quá đông người dồn lên khiến cây cầu rung lắc, mọi người càng hoảng sợ, anh Sang, một người Việt ở Phnom Penh phân tích.

Nhiều người Việt thoát chết nhờ… Lệ Thuỷ?

Thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cho biết, ít nhất 8 người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp lên nhau ở lễ hội Bon Om Thook. Và nhiều người Việt sống ở Campuchia cho biết có ít người Việt chết trong thảm hoạ này là nhờ… nghệ sỹ cải lương Lệ Thuỷ.

Tối 22/11, trong lúc hàng ngàn người dân các tỉnh và khách du lịch vui chơi ở đảo Kim Cương trên cầu Poh Pich thì rất nhiều người Việt không tham dự. Họ vắng mặt bởi cùng lúc đó nghệ sỹ cải lương Lệ Thuỷ đi đang biển diễn ở một ngôi chùa cách đó không xa.

Anh Đặng Văn Tấn, người Việt ở Phnom Penh cho biết, nếu không có sự kiện nghệ sỹ Lệ Thuỷ diễn ở nơi khác, chắc còn nhiều người Việt đi chơi lễ hội bị chết vì giẫm đạp lên nhau. Còn anh Sang cho rằng, sáng hôm sau khi nghe tin thảm hoạ, nhiều người Việt thở phào bởi nếu không đi xem hát biết đâu mình cũng là nạn nhân của thảm hoạ…

Thái Phương (từ Campuchia)