- Đêm 26 tháng Chạp năm 1972, lũ học sinh chúng tôi không ngủ, lên đê sông Hồng nhìn về Hà Nội đỏ rực lửa. Tất cả đều lo lắng, sốt ruột vì không biết mọi người ở nhà ra sao.
Dịp đầu đông năm nay, chúng tôi, lũ học sinh lớp 10D năm nào của Trường Phổ thông cấp III Lý Thường Kiệt, lại gặp nhau để cùng ôn lại những kỷ niệm xưa.
Một trong những kỷ niệm khắc sâu vào tâm trí chúng tôi là cuộc sơ tán khẩn cấp vào mùa đông năm 1972 khi đế quốc Mỹ ném bom trở lại Hà Nội bằng máy bay ném bom chiến lược “pháo đài bay” B52, hòng tạo áp lực cho vòng cuối đàm phán hòa bình bốn bên tại Paris. Đây không phải là lần đầu Hà Nội đi sơ tán. Lần trước là khi đế quốc Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc Việt Nam vào năm 1965, khi lũ trẻ chúng tôi mới học lớp 2.
Vậy mà đã thấm thoắt đã 45 năm trôi qua. Những người ở lại Hà Nội năm đó hẳn đến giờ vẫn nhớ tiếng loa phóng thanh: “Đồng bào chú ý! Tây-Bắc Hà Nội 80 cây số có máy bay địch, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu…”; rồi “Đồng bào chú ý! Máy bay Mỹ đã xâm phạm vùng trời Hà Nội, Hội đồng Phòng không Nhân dân Thành phố ra lệnh mọi người phải xuống hầm trú ẩn...”
Các bạn nam trong lớp chụp ảnh tại trường Lý Thường Kiệt khi đi sơ tán về. Ảnh: Trần Văn |
Vừa mới vào năm học 1-2 tháng chúng tôi đã được lệnh đi sơ tán cùng với hơn một nửa số người dân Hà Nội về các vùng quê lân cận để tránh thương vong với tinh thần “sơ tán cũng là góp phần đánh Mỹ”. Trường chúng tôi về sơ tán tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Lớp chúng tôi được chia về các nhà dân ở thôn Hồng Giang. Mỗi nhà dân đón 3-4 học sinh Hà Nội vào ở. Người dân đã nhường gian nhà chính cho các học sinh, còn gia đình mình thì ở gian phụ hay dọn xuống nhà ngang.
Ngày ấy cơm thổi bằng gạo “mậu dịch” vừa ẩm mốc, vừa hôi. Thức ăn thì cứ mãi điệp khúc canh rau cải, giá xào. Nhưng rồi đói quá nên chúng tôi đều ăn hết veo. Lúc đi học, mỗi đứa cắp theo cái bàn gấp và cái ghế gỗ nhỏ. Lớp học được đào nửa chìm nửa nổi, vách tre, mái lợp rơm rạ.
Hà Nội bị B52 Mỹ dội bom suốt 12 ngày đêm. Thế nhưng cái đêm kinh khủng nhất là đêm 26 tháng Chạp, khi Mỹ ném bom phố Khâm Thiên vốn sầm uất nhất Hà Nội thời đó. Máy bay B52 ném bom rải thảm một vệt từ đầu đến cuối phố làm biết bao người chết, nhà cửa nát vụn. Đêm đó, lũ học sinh chúng tôi không ngủ, lên đê sông Hồng nhìn về Hà Nội đỏ rực lửa. Các bạn nữ khóc ầm lên. Tất cả đều lo lắng, sốt ruột vô cùng vì không biết mọi người ở nhà ra sao.
Sáng hôm sau, cả bọn tức tốc đạp xe về Hà Nội. Đi qua Khâm Thiên, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng trăm quan tài xếp dọc phố, khói bụi nghi ngút. Chẳng ai có thể quên được cảnh đau thương, tang tóc đó.
Cũng trong đêm 26 rạng sáng ngày 27/12 đó, Hà Nội đã bắn rơi 18 máy bay Mỹ, trong đó có 8 chiếc B52 với 4 chiếc rơi tại chỗ, góp phần vào thành tích bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52 trong suốt chiến dịch 12 ngày đêm. Xác máy bay B52 Mỹ rơi trên Vườn Bách thảo, đường Hoàng Hoa Thám, làng hoa Ngọc Hà,…
Thủ đô Hà Nội đã giữ vững lời thề thiêng liêng “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Xác chiếc máy bay B-52 của Mỹ bị quân và dân Thủ đô bắn rơi ngày 22/12/1972. Ảnh: TTXVN. |
Đến giờ chúng tôi vẫn còn nhớ những tiết học của mùa đông năm đó rất rét. Ăn uống, quần áo đều thiếu thốn, lớp học đơn sơ nên lại càng rét hơn. Thương học sinh thiếu áo ấm, các thầy cô đã chỉ cách cho chúng tôi quấn thêm giấy báo vào người cho đỡ rét. Ngày đó, chủ nhiệm lớp chúng tôi là thầy Nguyễn Hữu An, nổi tiếng là nghiêm khắc và thực sự đã duy trì được kỷ luật học tập và sinh hoạt của lũ học sinh hiếu động, nghịch ngợm. Mặc dù các lớp học phân tán khắp nơi, nhưng đều đặn mỗi tối, vào 8-9h, thầy cô đi các nhà kiểm tra, nhắc nhở học trò đi ngủ.
Nhờ được các thầy cô chỉ bảo tận tình, khấy động sự ham mê học tập, cộng với duy trì được kỷ luật, nên chất lượng học tập vẫn đảm bảo, sau này vào lớp 10 cuối khóa, đa số các bạn đều học giỏi. Cả lớp tôi đều thi đỗ vào đại học, vốn được coi như một chuẩn mực thành đạt lúc bấy giờ.
Một khoảnh khắc tôi cũng không thể quên được là đầu tháng Giêng năm 1973, bố tôi từ chiến trường B5, mặt trận Trị-Thiên-Huế, tới thăm tôi ở nơi sơ tán. Lúc đó ông ra Hà Nội họp với Trung ương để nhận chỉ thị, chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, gọi tắt là Hiệp định Paris.
Hôm đó, tôi đang đi học thì được báo bố đến thăm. Tôi vội chạy lên mặt đê, bố con ôm chầm lấy nhau trong nước mắt sau 8 năm dài xa cách. Cuộc gặp gỡ giữa hai bố con diễn ra rất chóng vánh, vì mọi việc thời chiến đều rất khẩn trương. Vài ngày sau, ông đã quay trở lại chiến trường và ở đó cho đến hết chiến tranh.
Thế rồi Hiệp định Paris được ký kết, chúng tôi được trở về Hà Nội để học tiếp lớp 9 và tốt nghiệp phổ thông vào năm 1974. Có lẽ vì đã cùng nhau trải qua những năm tháng khó khăn, vất vả nhưng cũng đầy ắp tình thương và những kỷ niệm khó quên nên lớp chúng tôi mới gắn bó với nhau đến như vậy qua gần nửa thế kỷ.
Trần Văn, ĐBQH khóa XII, XIII, cựu học sinh Trường phổ thông cấp III Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Thuở học sinh Hà Nội ăn cơm trong rá, canh trong chậu
Thời chiến điều kiện ăn, ở nghèo nàn vậy mà nhờ các thầy cô tâm huyết với nghề, yêu thương học trò hết mực nên chúng tôi đứa nào cũng học giỏi, chữ viết đẹp.
Tết Hà Nội và những điều không bao giờ cũ
Cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng có những điều quen thuộc của Tết Hà Nội vẫn chẳng hề thay đổi.
'Kỳ lạ' cảnh Tết ở Hà Nội
Đến khi “lo Tết” xong, thì sự mệt mỏi đó trở nên êm đềm và dễ chịu của buổi sáng Mùng Một, một bầu không khí yên ắng đến kỳ lạ của thành phố.