“Đang trong quá trình hoàn thiện 20 món ăn thông dụng nhất của cả 3 miền, một số khách có liên hệ hỏi mua nhưng tôi nhất quyết không bán. Vì mấy người khách đó muốn mua về trưng bày do bán hàng ế ẩm. Mà thực tế, hàng không bán được là do chiến lược kinh doanh của họ. Tôi có ngồi phân tích cho họ hiểu nhưng họ vẫn muốn mua. Nên tôi mới nhất quyết không bán cho các vị khách này”, anh Nguyễn Tất Đạt (TP.HCM)
Theo anh, một lý do nữa khiến anh chưa muốn bán cho những khách hàng tìm đến mua là vì giá thành các sản phẩm này khá cao, bán đúng giá thì không nỡ mà để giá thấp lại làm mất công. Anh cho biết những sản phẩm này tiền đầu tư thì ít nhưng công sức mất rất nhiều nên mỗi sản phẩm bán thấp nhất phải 800.000 đồng. Vì mới bắt tay vào làm, anh chưa biết cách nào tiết kiệm thời gian nhanh nhất để hạ giá thành sản phẩm.
Các sản phẩm từ đất sét được anh Đạt trưng bày trong căn phòng của mình.
Bộ sản phẩm gồm 20 bát món ăn từ đất sét được anh làm trong khoảng 7-10 ngày.
Bộ sản phẩm này gồm 20 bát món ăn từ đất sét như phở, bún bò, hủ tiếu nam vang, bánh đa cua, mì vịt tiềm, bún dọc mùng, bún cá, hủ tiếu gõ, mì quảng... (các món ăn quen thuộc của cả 3 miền) mất khoảng 10 ngày. Kinh phí anh bỏ ra làm khoảng 5 triệu đồng.
Thời gian đầu khi làm các sợi bún, anh chưa có kinh nghiệm nên làm rất lâu và đau tay. “Tôi sử dụng các ống tiêm để làm sợi bún, mỗi khi làm xong tay đau nhừ và số lượng làm ra rất ít”, anh cho hay.
Không chỉ bún, các sản phẩm khác như đùi vịt, các loại rau... đều có những cái khó riêng khiến anh tốn nhiều thời gian để làm. Mỗi ngày làm, anh đều rút ra kinh nghiệm và có cách làm nhanh nhất, bớt mất công sức nhiều hơn.
Thời gian đầu làm rất tốn thời gian và công sức, anh đã rút kinh nghiệm dần qua các lần làm.
Một mâm cơm được anh làm từ đất sét.
“Tùy công đoạn mà sản phẩm có phải phơi hay không. Nếu sợi bún thì phải để khô, còn cá phải sơn lớp áo mỏng để đất bên trong khô lại, lớp bên ngoài nhăn theo, tạo độ tự nhiên cho da cá. Tuy nhiên, người làm còn phải thêm công đoạn đổ keo resin mất 16 tiếng mới hoàn thiện sản phẩm. Tính ra, trung bình mỗi sản phẩm phải mất 2 ngày mới hoàn thiện”, anh nói.
Các sản phẩm này anh làm hoàn toàn bằng đất sét Việt Đất kết hợp với bột mì, cát, keo epoxy, giấy carton, keo nến... Mỗi bát này dùng gần 1kg đất nặn. Những sản phẩm này sẽ được người Việt ở nước ngoài rất thích, họ muốn trưng bày để gợi nhớ về quê hương của mình.
Cái khó khi làm các sản phẩm này là làm sao kích thích vị giác người xem.
Theo anh Đạt, cái khó trong cách làm mô hình thực phẩm này không phải là làm cho thật giống mà làm sao để người ta nhìn vào phải thấy thèm, phải kích thích vị giác bằng cách sắp xếp bố cục hài hòa cho một món ăn. Điều này đòi hỏi rất nhiều về kỹ thuật cũng như con mắt nghệ thuật của người làm.
Sở dĩ anh lựa chọn làm các món ăn này từ đất sét là nhờ ý tưởng từ một người bạn nước ngoài của anh. “Người bạn đó mong muốn mua những mô hình các món ăn của nước ta đem về nước nhằm giáo dục con cháu người Việt ở nước ngoài. Họ đã chuyển tiền ngay lập tức cho tôi để tôi làm ổ bánh mỳ kẹp cho họ bằng đất sét. Từ đó, tôi mới tiếp tục học hỏi, tham khảo thêm trên mạng và tự nghĩ ra để làm ra các sản phẩm tiếp theo”, anh chia sẻ thêm.
Theo anh, mô hình món ăn từ đất sét Việt không chỉ riêng mục đích trưng bày cho các cửa hàng ăn uống mà còn là một tác phẩm nghệ thuật bằng tay từ các nguyên liệu dễ kiếm của Việt Nam, mang thông điệp giáo dục, bảo tồn văn hóa Việt.
Anh Đạt cắm cúi làm các sản phẩm.
Các sản phẩm làm từ đất sét của anh Đạt.
Anh cho rằng hiện tại anh làm để trải nghiệm và thỏa mãn sự tìm tòi, muốn chinh phục thử thách của chính bản thân trước nên chưa muốn kinh doanh. “Trong thời gian tới, để thương mại sản phẩm, tôi phải nghiên cứu thêm quy trình, cách làm mới để sản xuất ra nhiều hơn. Lúc đó, người tiêu dùng mới có thể mua giá rẻ hơn”, anh chia sẻ.
Tuy nhiên, anh cho rằng đó là đang nói về những mô hình thực phẩm trưng bày trong các nhà hàng. Còn những sản phẩm độc đáo hơn, nhiều công sức hơn sẽ là tác phẩm nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa khác thì sẽ có giá rất cao.
(Theo Dân Việt)