Còn nửa tháng nữa là đến Tết Quý Mão 2023, thị trường hoa ở Nghệ An nhộn nhịp người bán, kẻ mua. Mặt hàng hoa lan thậm chí đã sôi động từ cuối tháng 11, đầu tháng Chạp. Tại các cửa hàng bán hoa lan, các tốp thợ tất bật làm việc để kịp giao hàng cho khách.
Chị Phạm Thủy - chủ một cơ sở kinh doanh hoa lan có tiếng tại TP Vinh (Nghệ An) cho biết: "Thợ cắm lan không thiếu nhưng để tìm được thợ giỏi, cắm đẹp không dễ. Hiện các cơ sở kinh doanh hoa lan ở TP Vinh phải mời thợ từ các tỉnh khác như TPHCM, Hà Nội, Đà Lạt... về. Tiền công trả cho thợ cắm lan tính theo cành/bình, mỗi cành từ 15.000 đến 30.000 đồng, tùy tay nghề và uy tín của thợ".
Cơ sở của chị Thủy thuê 6 thợ chuyên cắm hoa từ các tỉnh phía Nam ra, trong đó có 4 thợ chính, 2 thợ phụ. Đây là nhóm thợ đã làm từ năm ngoái. Tất nhiên, để mời được trưởng nhóm là người có chứng chỉ quốc tế, ngoài tiền công 30.000 đồng/cành, theo chị Thủy, điều kiện còn nằm ở sự ăn ý, niềm tin giữa hai bên.
Thợ cắm hoa lan bắt đầu làm từ đầu tháng Chạp và thường kết thúc công việc vào khoảng 25 - 27 Tết. "Riêng chi phí để trả cho thợ cắm hoa mùa Tết cũng khoảng 500-600 triệu đồng", chị Thủy tiết lộ.
Từ TPHCM, anh Nguyễn Thanh Vũ (37 tuổi) ra Nghệ An theo lời mời của chủ cửa hàng kinh doanh hoa lan. Có 7 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Vũ được đánh giá là thợ giỏi, cẩn trọng, tỉ mỉ, có trách nhiệm và đặc biệt là giàu sự sáng tạo.
"Nghề này năng khiếu chỉ chiếm một phần thôi, cốt yếu nhất vẫn là trách nhiệm với công việc và tinh thần không ngừng học hỏi. Xu hướng cắm hoa, chơi hoa mỗi năm mỗi khác, người thợ nếu không chịu khó học hỏi sẽ tụt hậu ngay. Làm công việc này không thể rập khuôn, cứng nhắc mà phải luôn đổi mới, sáng tạo, tìm tòi để khoe tốt nhất vẻ đẹp của hoa lan, phù hợp với yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng", anh Vũ cho hay.
Theo anh Vũ, thợ cắm hoa thường làm việc theo nhóm, các thành viên trong nhóm phải hiểu và có sự phối hợp ăn ý. Thợ được chia làm hai nhóm: Thợ "ra tia" và thợ "lên bình". Công đoạn "ra tia" dành cho thợ phụ. Nhiệm vụ của họ là cố định "tia" (thanh thép dẻo - PV) vào thân cây hoa lan, uốn phần có hoa thành vòng cung sao cho vẻ đẹp của ngồng hoa được phô bày trọn vẹn nhất.
Là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội, đang trong thời gian nghỉ chờ tốt nghiệp, Phạm Văn An (quê Nghệ An) tranh thủ đi làm thêm. Từng có thời gian cộng tác với nhau khi anh Vũ ra Hà Nội cắm hoa sự kiện nên An xin vào nhóm để kiếm tiền tiêu Tết.
Công việc của An là "ra tia" và phụ các thợ chính trong nhóm. Trung bình mỗi ngày, An kiếm được từ 500.000 đồng đến một triệu đồng. So với công việc làm thêm khác thì đây là khoản thu nhập đáng mơ ước cho một sinh viên vào dịp Tết Nguyên đán.
Từ những cành lan đã "ra tia", thợ chính sẽ thực hiện việc "lên bình", nghĩa là ghép các bầu lan lại, sắp xếp thành một bình hoa hoàn chỉnh.
"Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để có một bình lan đẹp là cả một quá trình lao động cả về trí óc và đôi bàn tay. Không đơn giản là lần lượt xếp từng bầu lan lên bình mà người thợ phải phác thảo trong đầu bố cục, hình khối bình hoa, để đảm bảo tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật cao, khoe được vẻ đẹp từng bông hoa lan", anh Trần Xuân Thanh - một thợ cắm lan có thâm niên 12 năm trong nghề chia sẻ.
Giá trị những bình lan có thể lên tới cả trăm triệu đồng. Bởi vậy yêu cầu về vẻ đẹp, sự độc đáo, hài hòa lại càng cao. Người thợ phải dồn cả tâm trí, sự cẩn trọng, tỉ mỉ vào từng cánh hoa, bởi có những khách hàng khó tính và duy tâm, một cánh hoa vô tình bị gãy, rụng trong quá trình hoàn thiện cũng bị từ chối vì lo ngại việc đó mang lại điều không may mắn trong năm mới.
Ngoài cắm lan vào các bình gốm theo cách truyền thống, mỗi người thợ sẽ có những sáng tạo riêng như sử dụng gỗ lũa hay thêm các vật trang trí làm điểm nhấn cho bình hoa.
Theo tiết lộ của anh Vũ, vào dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là trong những ngày cao điểm, từ 20-25 tháng Chạp, không hiếm những thợ cắm hoa có thể đạt mức thu nhập 5-7 triệu đồng/ngày, thậm chí cao hơn. Với thợ cắm hoa có thâm niên, tự trọng với nghề và trách nhiệm với khách hàng thì thu nhập đối với họ không phải là điều quan trọng nhất.
"Tiền tất nhiên ai cũng cần nhưng mình làm nghề, sống với nghề, thì chất lượng và uy tín là điều quan trọng nhất", anh Vũ nói.
Theo Dân trí